Ngày 8/8/1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành lập. Từ 5 nước ban đầu, đến nay, ASEAN đã trở thành một tổ chức gồm 10 thành viên, luôn nỗ lực đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể. Các thành viên đã cùng nhau xây dựng một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ các trách nhiệm xã hội, tăng cường hợp tác với các quốc gia đối tác bên ngoài thông qua các cơ chế và phương cách ASEAN, đóng góp để người dân các nước trong và ngoài khu vực Đông Nam Á được sống trong hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Chặng đường dài
Gần nửa thế kỷ qua, ASEAN đã vượt qua nhiều chặng đường đầy thách thức để phát triển, dần gây dựng được lòng tin của tất cả mười nước thành viên, phát triển cơ chế đối thoại và thúc đẩy đồng thuận, dựa trên những lợi ích cùng chia sẻ để tạo ra một môi trường hòa bình, hòa hợp trong khu vực, thông qua đẩy mạnh quan hệ chính trị giữa các nước thành viên và tình hữu nghị giữa người dân. Với sự tin tưởng lẫn nhau và tình hữu nghị, các nước ASEAN đã có thể tập hợp nguồn lực để phát triển kinh tế, kết nối nền kinh tế nội khối và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.
Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015, đã đánh dấu bước tiến mới của ASEAN, thể hiện rõ cam kết của ASEAN xây dựng một thị trường thống nhất với trên 620 triệu dân, nhằm nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy hợp tác nội khối và với các đối tác, khu vực bên ngoài, mang lại những lợi ích to lớn và sự phát triển mạnh mẽ hơn cho ASEAN.
Đánh giá về quá trình phát triển của ASEAN thời gian qua, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Xalomxay Commaxith cho biết: “ASEAN đã trải qua một lộ trình dài kể từ khi thành lập năm 1967, đã và đang đạt được những bước tiến lớn, không chỉ trong việc mở rộng quy mô thành viên mà còn với bước ngoặt quan trọng là thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm ngoái. Hiện nay, ASEAN được coi là một tổ chức khu vực thành công. Những thành tựu mà ASEAN có được là nhờ vào sự hòa bình, ổn định của khu vực cũng như sự hợp tác tích cực của nước thành viên, sự ủng hộ của các đối tác đối thoại bên ngoài; với một loạt các cơ chế hợp tác dưới vai trò dẫn dắt của ASEAN, như ASEAN+1, ASEAN+3… Sự tham gia của các cường quốc lớn trên thế giới trong các diễn đàn này đã đóng góp vào việc tăng cường hợp tác, tin tưởng lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác, hòa bình, an ninh và ổn định khu vực và trên thế giới”.
Cộng đồng ASEAN
Với nội dung then chốt của Cộng đồng ASEAN là gắn kết về mặt chính trị, liên kết về mặt kinh tế, trách nhiệm về mặt xã hội và hướng tới người dân, sau khi Cộng đồng ASEAN được thành lập, đến nay, các thành viên đã thực hiện những kế hoạch đã đề ra trong lĩnh vực kinh tế như tiếp tục thúc đẩy đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa các nước ở châu Á-Thái Bình Dương và ASEAN về một khu vực thương mại tự do, thực hiện sáng kiến kết nối trong ASEAN và ASEAN với các cộng đồng khác. Các nước cũng hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực chuyên ngành như tài chính, thương mại, đầu tư, lao động…
Thành tựu tiếp theo đó là Cộng đồng ASEAN tiếp tục thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Hiện, có thêm 4 nước ngoài khu vực tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) và 2 nước tham gia quy chế đối tác theo lĩnh vực.
Đánh giá cao về sự hợp tác hiệu quả giữa ASEAN với các nước đối tác, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry nhấn mạnh: "Mỹ tin rằng, ASEAN là một cơ chế hợp tác hiệu quả trong việc dẫn dắt khối vượt qua các thách thức. Là một nước đối tác, Mỹ thời gian qua đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác với các nước ASEAN, trong đó có việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ đầu năm nay. Tại đây hai bên đã thảo luận một loạt các biện pháp thúc đẩy mối quan hệ song phương. Chúng ta đều biết rằng các nước đều phải đối mặt với các thách thức, và điều chúng ta cần phải làm đó là đoàn kết và hợp tác sẽ mang lại sức mạnh và giải pháp giúp mang lại hòa bình và ổn định cho người dân và khu vực".
Thách thức
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thời gian qua, ASEAN cũng phải đối mặt với không ít thách thức lớn do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới như: sự phục hồi chậm của nền kinh tế toàn cầu, trong khi sự kiện Anh rời EU cũng tạo ra những chấn động nhất định; bất ổn vẫn diễn ra tại nhiều khu vực như: Trung Đông, Bắc Phi, Nam Á, các hoạt động khủng bố ngày càng gia tăng; sự hoành hành của các dịch bệnh.
Bên cạnh thách thức chung toàn cầu, ASEAN cũng đứng trước thử thách riêng, đó là những diễn biến phức tạp trên Biển Đông. Trong bối cảnh như vậy, ASEAN đã khẳng định lại nguyên tắc rất cơ bản qua các hội nghị, đó là duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Dựa trên nguyên tắc đồng thuận của ASEAN nhằm hướng các nước thành viên dần tiến tới một nhận thức, đánh giá chung về một vấn đề cụ thể, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49, ngoài tuyên bố chung, ASEAN cũng ra một tuyên bố riêng khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, góp phần tạo ra khuôn khổ điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia.
Không chỉ dừng lại ở các tuyên bố, ASEAN còn có những bước đi cụ thể thông qua các kênh như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), cơ chế đối thoại giữa ASEAN với các đối tác là các cường quốc khu vực hay thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, EU...
Tại đây, các nước không chỉ chia sẻ quan điểm về tình hình thế giới và khu vực để hiểu nhau hơn mà còn đề ra các biện pháp giải quyết cụ thể như Hợp tác tuần tra chung trên biển, chống tội phạm xuyên quốc gia, bảo vệ an ninh mạng...
Thông qua các cơ chế này, ASEAN ngày càng phát huy vai trò trung tâm của mình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng: “Tình hình quốc tế đang trải qua những biến đổi sâu sắc, kinh tế phục hồi yếu, hội nhập khu vực vấp phải những trở ngại, trước tình hình đó, duy trì xu thế hợp tác Đông Á có ý nghĩa quan trọng, chúng ta cần kiên định duy trì cơ chế 10+3 như 1 kênh chính của hợp tác Đông Á, chung tay thúc đẩy hội nhập khu vực, nỗ lực xây dựng Cộng đồng kinh tế Đông Á, đem lại sức sống mới cho toàn cầu hóa kinh tế.”
Đóng góp của Việt Nam
Cùng với các thành viên trong ASEAN, trong 21 năm qua, kể từ khi gia nhập, Việt Nam luôn là một thành viên chủ động và đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN với tinh thần trách nhiệm cao, hướng tới mục tiêu xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất và liên kết chặt chẽ, có vai trò và vị thế quốc tế ngày càng cao. Việt Nam đã đóng góp tích cực trong kế hoạch xây dựng và triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cũng như các chiến lược đề ra trong tất cả các lĩnh vực. Riêng về kinh tế, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc triển khai dòng hành động với việc thực hiện lên đến 93- 95%. Việt Nam cũng là nước đầu mối chủ trì phần đầu tư và dịch vụ trong các cuộc đàm phán liên quan đến thương mại và liên kết kinh tế giữa ASEAN với Nhật Bản và EU.
Về những đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực chính trị - an ninh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết: “Việt Nam đóng góp tích cực trong phát biểu cũng như hoạt động của mình với các nước ASEAN, phối hợp chặt chẽ với nước chủ tịch Lào ASEAN năm 2016 để giữ gìn đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Việt Nam cũng đưa ra nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực cụ thể. Ví dụ như tại Diễn đàn ARF gần đây tại Lào, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến được các nước thông qua liên quan đến việc phối hợp giữa các cơ quan thực thi phát luật trên biển. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang phức tạp như hiện nay thì sáng kiến của Việt Nam rất hữu ích.”
ASEAN được công nhận rộng rãi là một mô hình hiệu quả của xu hướng liên kết khu vực trên ba khía cạnh: Duy trì hòa bình và ổn định khu vực, hội nhập khu vực và xây dựng thể chế khu vực. ASEAN đã thành công khi trở thành một nhân tố bảo đảm cho hòa bình, ổn định, hòa hợp và thịnh vượng không những ở Đông Nam Á mà rộng hơn là khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với Liên minh châu Âu (EU), ASEAN được đánh giá là một trong hai tổ chức khu vực thành công nhất trên toàn cầu./.
Nguồn :vov.vn