Tăng trưởng đồng đều trong các ngành, lĩnh vực kinh tế
Trong hai tháng đầu năm 2016, tiếp tục ghi nhận các mức tăng trưởng trong tất cả các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Bất chấp thời tiết rét đậm, rét hại ở nhiều tỉnh phía bắc, hạn hán và nhiễm mặn xâm lấn ở nhiều tỉnh miền trung và miền nam, tính đến giữa tháng hai so cùng kỳ năm ngoái, trên cả nước vụ lúa Đông Xuân gieo trồng đạt 100,2%. Đàn bò tăng 0,5-1%, đàn lợn tăng 3-3,5%, đàn gia cầm tăng 8-8,5%, duy có đàn trâu ước giảm 0,2%. Sản lượng thủy sản ước tăng 3,1% (nuôi trồng tăng 2,2%, khai thác tăng 3,8%).
Nuôi cá tra tiếp tục gặp khó khăn do giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hai tháng qua và cả nửa đầu năm 2016 dự báo khá tốt (xuất khẩu gạo tháng một tăng 56,7% về khối lượng và tăng 46% về giá trị) do tăng cầu từ Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi; cũng như do Thái-lan có xu hướng cắt giảm sản lượng lúa gạo để canh tác rau quả thu lãi cao hơn.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng hai ước tăng 7,9% so cùng kỳ năm trước và giảm 22,3% so tháng trước (do tháng hai nghỉ Tết Nguyên đán). Tính chung hai tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1-2-2016 chỉ tăng 8,9% và thấp hơn so cùng thời điểm năm 2015. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1-2-2016 tăng 6,2% so cùng kỳ năm trước.
Vận tải hành khách hai tháng tăng 7,8% và 28,5 tỷ lượt khách.km, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2015. Vận tải hàng hóa tăng 6,7%. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng hai so cùng kỳ năm trước ước đạt 288 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8%; hai tháng đầu năm, tăng 9,7%, loại trừ yếu tố giá tăng 8,3%. Đặc biệt, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá và đầu cơ, trừ giá rau xanh do hậu quả thời tiết lạnh kéo dài trước tết…
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng hai tăng 3,5% so tháng trước và tăng 20% so cùng kỳ năm trước; tổng hai tháng ước đạt 1.638.670 lượt, tăng 16,0%; lượng khách tăng mạnh cả theo đường không, đường bộ và từ hầu hết các thị trường trên khắp các châu lục. Số khách du lịch nội địa ước đạt 14,2 triệu lượt khách, trong đó có 6,8 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch tăng 19% so với cùng kỳ năm 2015.
Sự bùng nổ về thu hút FDI và doanh nghiệp quay lại hoạt động, nhưng doanh nghiệp trong nước còn không ít khó khăn
Tính từ đầu tháng 1 đến 20-2-2016, cả nước thu hút 291 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 1.905,1 triệu USD, tăng 96,6% về số dự án và tăng 167,5% về số vốn so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, có 137 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp bổ sung vốn với 898,3 triệu USD. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 2803,4 triệu USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI thực hiện ước tính đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15,4%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký. Hà Nội lần đầu tiên sau mở rộng địa giới Thủ đô năm 2008 trở lại là địa phương có số vốn đăng ký lớn nhất trong số 32 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có dự án FDI được cấp phép mới, với 242,4 triệu USD, chiếm 12,7%; Singapore là nhà đầu tư lớn nhất trong 31 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam, với 435,2 triệu USD, chiếm 22,8%.
Tính chung hai tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015, cả nước có 13.904 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 113 nghìn tỷ đồng, tăng 1% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký, tăng 44,4% về số vốn đăng ký bình quân và dự kiến làm tăng 0,7% số việc làm mới. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 7.416 doanh nghiệp, tăng 69,5%. Số doanh nghiệp chấm dứt hoạt động là 2.195 doanh nghiệp, tăng 6,8%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 16.471 doanh nghiệp, tăng 17,3%.
Thương mại xuất siêu, tổng mức bán lẻ tăng mạnh, CPI tăng nhẹ
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 1 đạt 13.363 triệu USD, Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 1 đạt 12598 triệu USD, xuất siêu tháng 1 là 765 triệu USD.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng hai ước đạt 10,3 tỷ USD, giảm 22,9% so tháng trước; Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng hai ước đạt 10,2 tỷ USD, giảm 19%; xuất siêu tháng hai khoảng 100 triệu USD.
Tính chung hai tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 23,7 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 16,6 tỷ USD, tăng 2,3%.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch đạt 5,1 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 22,8 tỷ USD, giảm 6,6% và ghi nhận xu hướng giảm từ hầu hết các thị trường chủ yếu, như từ Trung Quốc ước giảm 5,6% (nhập siêu từ thị trường này khoảng 4,7 tỷ USD, giảm 9,6%); Hàn Quốc giảm 4,8%; ASEAN giảm 7,6%; Nhật Bản giảm 9,5%; EU giảm 26,6%; Hoa Kỳ giảm 4,2%. Xuất siêu 865 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu gần 2,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2,9 tỷ USD.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng hai tăng 0,42% so tháng trước; tăng 0,42% so tháng 12-2015 và tăng 1,27% so cùng kỳ năm2015. Chỉ số CPI bình quân hai tháng đầu năm tăng 1,03% so cùng kỳ năm 2015. Lạm phát cơ bản tháng hai tăng 0,56% so tháng trước và tăng 1,93% so cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản hai tháng đầu năm 2016 tăng 1,82% so cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá vàng tháng 2-2016 tăng 3,02% so tháng trước; tăng 2,78% so tháng 12-2015 và giảm 5,42% so cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, giãn cách giá vàng trong và ngoài nước lần đầu tiên sau ba năm qua hạ xuống có lúc chỉ còn khoảng 350.000 đồng, sát với yêu cầu của Quốc hội và lời hứa của Thống đốc NHNN.
Chỉ số giá USD tháng 2-2016 giảm 0,64% so tháng trước; giảm 0,46% so tháng 12-2015 và tăng 4,82% so cùng kỳ năm 2015. Tỷ giá trung tâm có lên có xuống và ngày càng có tính thị trường cao hơn.
Theo nhiều nhận định của tổ chức và báo chí nước ngoài, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định ở mức gần 7% trong năm 2016, giúp Việt Nam lọt vào nhóm những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và thứ hai châu Á. Động lực tăng trưởng đến từ cải cách môi trường đầu tư (từ tháng 1-2016, thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm còn 20% so mức 32% năm 1999, mức 28% từ năm 2004, mức 25% từ năm 2009, 22% năm 2014); hồi phục thị trường bất động sản (tồn kho bất động sản đến tháng 12-2015 đã giảm 60,41% so với quý I/2013 và tiếp tục giảm trong hai tháng đầu năm 2016), gia tăng nhu cầu nội địa, xuất khẩu, năng suất, công nghệ và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
TS. Nguyễn Minh Phong
Nguồn: Báo nhân dân