Thứ Sáu, 22/11/2024 22:15:40 GMT+7
Lượt xem: 1584

Tin đăng lúc 04-06-2019

Bà Rịa - Vũng Tàu chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Luôn đứng trong tốp đầu cả nước về thu nộp ngân sách, tăng trưởng kinh tế, thu hút vốn đầu tư, đồng thời Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có tốc độ tăng dân số chậm so với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam bởi quan điểm nhiều năm không khuyến khích thu hút những dự án đầu tư sử dụng nhiều lao động, tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.
Bà Rịa - Vũng Tàu chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Giờ thực hành của học viên ngành điện - điện tử tại Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu

Điều đó đòi hỏi địa phương phải luôn chuẩn bị sẵn sàng một lực lượng lao động chất lượng cao, có tay nghề giỏi, tác phong chuyên nghiệp, sử dụng ngoại ngữ thành thạo... để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

 

Phấn đấu trở thành lao động quốc tế

 

Những ngày cuối tháng 5, dù đang trong đợt nắng nóng cao điểm tại các tỉnh phía nam, nhưng tại cơ sở 1 của Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, không khí học tập của các học viên vẫn diễn ra sôi nổi. Tại các xưởng thực hành, tiếng máy tiện, máy khoan vang lên rộn rã. Em Đoàn Minh Tuấn (sinh năm 1999), học viên năm thứ 2 Khoa Cơ khí, trong bộ đồ bảo hộ lao động mầu xám, ướt đẫm mồ hôi, hồ hởi chia sẻ với chúng tôi: “Tháng 8 tới em sẽ sang Liên bang Nga dự Kỳ thi tay nghề thế giới WorldSkills lần thứ 45 - năm 2019. Đây là một trong những kỳ thi tay nghề uy tín và lớn nhất trên thế giới. Em đang được các thầy cô hướng dẫn và chỉ bảo thêm những kỹ năng cho kỳ thi sắp tới”.

 

Giảng viên Nguyễn Quang Thu, người trực tiếp hướng dẫn Đoàn Minh Tuấn cho biết, kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019 có sự tham dự của nhiều quốc gia lớn, tập trung nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ, máy móc, trang thiết bị thuộc diện hiện đại nhất thế giới. Vì vậy, áp lực về công tác đào tạo, chuẩn bị cho cuộc thi rất lớn. Thầy Thu cho biết, lựa chọn học viên đi thi được nhà trường cân nhắc rất kỹ bởi các học viên đều được đào tạo rất thành thục về chuyên môn, kể cả những chuyên môn sâu do các chuyên gia nước ngoài hướng dẫn. Các em đều sử dụng tốt ít nhất một ngoại ngữ. Đối với một số ngành nghề liên kết đào tạo quốc tế, các em còn được học thêm tiếng Đức, tiếng Nhật Bản bên cạnh ngôn ngữ tiếng Anh. Em Tuấn được chọn, một phần bởi em không chỉ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn, trình độ ngoại ngữ mà còn là người có tác phong và tính kỷ luật rất cao trong công việc.

 

Chúng tôi có mặt tại Xưởng thực hành chế tạo khuôn mẫu, một trong những ngành nghề không thể thiếu và hiện đang rất phát triển tại các quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến, đúng vào lúc các chuyên gia đến từ Nhật Bản đang hướng dẫn các học viên thực hành. Hoàn toàn không để ý đến sự xuất hiện của chúng tôi, các học viên chăm chú theo dõi sự hướng dẫn của giáo viên nước ngoài. Phải đợi đến cuối buổi thực hành, chúng tôi mới có dịp trao đổi với học viên Bùi Thị Kim Dung, năm thứ 2 Khoa Khuôn mẫu. Kim Dung cho biết: “Khi ra trường, em sẽ có thể sử dụng thành thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật Bản. Với tay nghề như hiện nay, em tin là sẽ được các doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng”. Tương tự như vậy, em Nguyễn Hoàng Giang, bạn học của Kim Dung cho biết: “Những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của nước ngoài hiện đang rất thiếu những lao động chất lượng cao, nhất là lao động trong ngành chế tạo khuôn mẫu. Bọn em khi ra trường hoàn toàn không lo thiếu việc làm. Nhiều anh chị khóa trước, sau khi được các doanh nghiệp nước ngoài kiểm tra trình độ tay nghề đã nhận ngay từ khi còn chưa tốt nghiệp. Một số anh chị đã được các doanh nghiệp này đưa về các công ty mẹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc... để làm việc. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng em giờ chỉ là cố gắng tập trung học cho thật tốt”.

 

Phát triển mô hình “doanh nghiệp trong nhà trường”

 

Vừa tốt nghiệp, Phạm Kim Phúc, học viên Trường cao đẳng Du lịch Vũng Tàu đã được một khách sạn lớn tuyển dụng. Chỉ một thời gian ngắn làm việc, Phúc được doanh nghiệp ký hợp đồng chính thức và bổ nhiệm vào vị trí quản lý. Phúc chia sẻ: “Lúc đầu chủ doanh nghiệp còn nghi ngờ về năng lực của em. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn thử thách cùng sự phản hồi tích cực của khách hàng, em đã dần chứng minh được khả năng chuyên môn cũng như tác phong làm việc chuyên nghiệp của mình. Mới đây, khi người quản lý cũ chuyển công tác, em đã được ban giám đốc công ty tin tưởng bổ nhiệm làm quản lý khách sạn”. Chia sẻ về những kiến thức đã học được tại Trường cao đẳng Du lịch Vũng Tàu, Phúc cho biết thêm: “Khi còn học ở trường, ngoài giảng dạy lý thuyết, nhà trường rất chú trọng cho học viên thực tập. Chúng em được thực tập ngay tại khách sạn của trường, làm thêm tại nhà hàng của trường, cho nên khi ra trường chúng em rất tự tin”.

 

Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hội nhập quốc tế Trường cao đẳng Du lịch Vũng Tàu Phạm Cao Tố cho biết, để nâng cao chất lượng đào tạo, ngoài việc tiếp tục cơ cấu lại chương trình giảng dạy, tập trung vào thực tập thực tế kỹ năng nghề, giảm bớt lý thuyết, nhà trường cũng xây dựng các mô hình kinh doanh, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, vừa góp phần tăng thu nhập, vừa là nơi để học viên thực tập, nâng cao nghiệp vụ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tiếp tục liên kết các khu du lịch, khách sạn trên địa bàn, như: The Grand Hồ Tràm Strip, Hương Phong - Hồ Cốc, DIC Star, Pullman, Imperial… để đưa học viên đi thực tập hay đào tạo theo nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp này.

 

Thạc sĩ Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Một trong những điểm nhấn trong quá trình đào tạo của nhà trường thời gian qua là triển khai khá thành công mô hình “doanh nghiệp trong nhà trường”. Để làm được điều đó, nhà trường kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, mở xưởng sản xuất tại trường. Với hình thức này, doanh nghiệp được thuê mặt bằng nhà xưởng tại trường với mức phí rất thấp. Doanh nghiệp có thể tự đầu tư các thiết bị phục vụ sản xuất hoặc có thể thuê trực tiếp thiết bị của nhà trường. Điều kiện đặt ra là doanh nghiệp phải nhận học viên của trường vào thực tập, làm việc; giáo viên của trường cũng trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp để được tiếp cận những công nghệ mới, nâng cao tay nghề. Cụ thể, năm 2016, Công ty TNHH Lead Giken với 100% vốn đầu tư Nhật Bản chuyên sản xuất các chi tiết khuôn mẫu đã đặt nhà xưởng tại khu sản xuất thực nghiệm của trường ở cơ sở 1, thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ; năm 2017, Công ty Điện lạnh Tân Tiến (TP Vũng Tàu) mở xưởng sửa chữa thiết bị điện lạnh tại khu xưởng dịch vụ sản xuất ở cơ sở 2, đường 3/2, TP Vũng Tàu...

 

Trong quá trình hợp tác, các môn học, mô-đun đào tạo của nhà trường phù hợp với lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp được nhà trường bố trí học viên xuống các xưởng của doanh nghiệp học tập, thực hành. Qua đó, nhà trường giảm được chi phí đào tạo, doanh nghiệp luôn có nguồn lao động dồi dào và học viên được trả lương khi tham gia sản xuất cho doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực may mặc, khuôn mẫu, ô-tô cũng đang khảo sát và xúc tiến việc mở xưởng tại trường.

 

Gắn đào tạo với nhu cầu phát triển của địa phương

 

Từ nhiều năm nay, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn xác định mục tiêu tăng trưởng bền vững với năm “trụ cột” kinh tế: Công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp chất lượng cao. Đây cũng là năm lĩnh vực thu hút nguồn vốn đầu tư rất lớn của các doanh nghiệp vào Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo áp lực về nguồn lao động.

 

Giám đốc Nhân sự Six Senses Côn Đảo Resort, tiêu chuẩn 5 sao Bùi Tiến Đạt cho biết: “Six Senses Côn Đảo Resort gần như phải tuyển người quanh năm. Quyền lợi của ứng viên được công khai khi tuyển dụng gồm: bao vé máy bay đi lại, bao ăn và ở, có xe đưa đón đến nơi làm việc hằng ngày... nhưng đến nay lượng hồ sơ đáp ứng được yêu cầu rất ít”. Hay Công ty TNHH Vard Vũng Tàu (khu công nghiệp Đông Xuyên, TP Vũng Tàu) hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu cũng luôn có nhu cầu tuyển lao động kỹ thuật cao. Để bảo đảm sản xuất, năm 2019, công ty cần tuyển 130 lao động kỹ thuật nhưng chưa tuyển đủ người. Các vị trí công ty đang cần tuyển gồm: Thợ lắp kết cấu, thợ hàn CO2, thợ hàn ống, thợ lắp ống… Dù công ty đã thông báo tuyển lao động từ đầu năm 2019 nhưng tới nay mới chỉ tuyển được 30 lao động.

 

Thạc sĩ Trương Huỳnh Như cho biết, để xây dựng kế hoạch đào tạo, nhà trường phải khảo sát và nắm rất vững nhu cầu của thị trường lao động, các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ nhiều năm nay, nhà trường đã chủ động liên kết để đào tạo theo “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có nhu cầu lao động lớn có thể liên hệ trực tiếp với nhà trường. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, nhà trường đã ký hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Forval Nhật Bản để giới thiệu học viên của trường tới thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp của Nhật Bản. Qua đó, hơn 300 học viên của trường đã tìm được việc làm tại 40 doanh nghiệp Nhật Bản. Bên cạnh đó, nhà trường còn ký biên bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động, thỏa thuận cung ứng 1.000 lao động ở lĩnh vực điện, cơ khí, may mặc cho Công ty TNHH Nitori Furniture (công ty nội thất hàng đầu Nhật Bản). Tính đến thời điểm này, hơn 40 học viên của trường đang được huấn luyện để trở thành ca trưởng, xưởng trưởng tại công ty này. Nhà trường cũng ký biên bản ghi nhớ và đang thỏa thuận liên kết đào tạo, cung ứng khoảng 500 lao động các nghề: Cơ khí, điện, điện tử cho Công ty TNHH Dongjin Global (công ty của Hàn Quốc chuyên sản xuất dây cáp, dây điện sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp ô-tô).

 

Đáng chú ý, lần đầu tiên, nhà trường đã đào tạo 800 lao động theo đặt hàng của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là số lao động nằm trong Đề án phát triển nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với các nghề: cắt gọt kim loại, cơ điện tử và chế tạo khuôn mẫu. Hầu hết học viên tốt nghiệp đều có việc làm tại các doanh nghiệp Nhật Bản. Cũng từ năm 2014, mỗi năm, Công ty Rosneft Việt Nam và các nhà đầu tư dầu khí lô 06.1 đã tài trợ kinh phí cho nhà trường 50.000 USD để đào tạo nghề hàn nâng cao 6G và nghề điện công nghiệp nâng cao cho học viên của trường... Hiện nhà trường đang triển khai đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho Tổ hợp hóa dầu Long Sơn với tổng vốn đầu tư năm tỷ USD.

 

Tại nhiều hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, đều đánh giá, nhu cầu về nguồn lao động chất lượng cao trên địa bàn tỉnh rất lớn. Việc các cơ sở đào tạo chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, cơ cấu lại chương trình giảng dạy, gắn dạy lý thuyết với thực hành, chủ động mời các chuyên gia nước ngoài trực tiếp hướng dẫn, bồi dưỡng cho học viên, hướng học viên vào những ngành nghề vốn là thế mạnh của địa phương, đang được địa phương ưu tiên phát triển, là những cách làm hay, sáng tạo, vừa góp phần nâng cao uy tín của các cơ sở đào tạo, vừa tạo dựng môi trường đầu tư để các doanh nghiệp trong và ngoài nước chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm điểm đến của mình. Đây là cơ hội để Bà Rịa - Vũng Tàu gia tăng khả năng cạnh tranh về thu hút đầu tư trong thời gian tới.

 

Theo nhandan.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang