Thứ Bẩy, 23/11/2024 20:23:29 GMT+7
Lượt xem: 1464

Tin đăng lúc 16-08-2018

Bà Rịa - Vũng Tàu: Hỗ trợ sản phẩm CNNT tìm chỗ đứng trên thị trường

Những năm gần đây, được sự hỗ trợ tích cực từ nguồn kinh phí khuyến công, sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thay đổi mạnh cả về chất và lượng, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Đặc biệt, ngành Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình bình chọn, tôn vinh sản phẩm CNNT tiêu biểu từ cấp huyện, tỉnh, khu vực đến cấp quốc gia và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Hỗ trợ sản phẩm CNNT tìm chỗ đứng trên thị trường
Chế biến cá chai tẩm gia vị tại Công ty CP Sản xuất Dịch vụ Thương mại Thuận Huệ

Nhiều sản phẩm CNNT, nhất là sản phẩm CNNT tiêu biểu nhờ có chất lượng tốt, độc đáo, khả năng ứng dụng cao, giá cả hợp lý, nên đạt doanh thu lớn, giá trị xuất khẩu cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Điển hình như sản phẩm cá bò, cá chai của Công ty CP SX - DV - TM Thuận Huệ đã xuất khẩu được sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật, Châu Âu; bộ dao của DNTN Bình An đã có thị trường ổn định ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, có thể cạnh tranh và thay thế được hàng nhập khẩu.... Cuối tháng 6/2018 vừa qua, Bà Rịa – Vũng Tàu đã có 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018. Các sản phẩm này có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả phù hợp, được người tiêu dùng đón nhận, trong đó, nhiều sản phẩm như: Cà phê, nấm mối sấy, cá đục khô tẩm gia vị, ca cao bột… đã được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản…   

 

Ông Đinh Trọng Cường, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (TTKC) cho biết, mỗi sản phẩm được vinh danh là động lực để các DN tiếp tục duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đây là cơ sở để sản phẩm được tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển CNNT.

 

 

Trung tâm Khuyến công tỉnh còn hỗ trợ DN, cơ sở CNNT tham gia triển lãm, trưng bày sản phẩm, kết nối mở rộng thị trường

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều sản phẩm CNNT đang chật vật để tìm chỗ đứng trên thị trường. Nguyên nhân chính được cho là do các cơ sở CNNT vẫn sản xuất theo lối truyền thống, sử dụng vật liệu cũ, ít chú trọng vào khâu nghiên cứu thị trường, cũng như mẫu mã sản phẩm, dẫn đến tình trạng các sản phẩm sản xuất ra không có sự khác biệt.

 

Để hỗ trợ DN, cơ sở CNNT khắc phục khó khăn trên, thời gian qua, ngành Công Thương đã và đang tăng cường hỗ trợ, triển khai các hoạt động phát triển thị trường cho các sản phẩm CNNT. Riêng năm 2018, tỉnh đã dành hơn 5 tỷ đồng cho TTKC để triển khai thực hiện 26 đề án, trong đó có những đề án như: Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; Tổ chức cho các DN CNNT tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ giao thương, kết nối cung cầu tại Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh; Tổ chức Hội chợ hàng Việt tại Côn Đảo;... nhằm tăng cường hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất CNNT giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ. 

 

Thực tế cho thấy, việc phát triển sản phẩm CNNT đem lại rất nhiều lợi ích cho cả DN, cơ sở CNNT lẫn kinh tế xã hội của địa phương. Vì vậy, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn, công nghệ, xúc tiến thương mại thì DN, cơ sở CNNT cũng cần phải chú trọng hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt, cần chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Có như vậy thì các sản phẩm CNNT mới có thể tìm được chỗ đứng trên thị trường./.

 

Quý Nguyễn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang