Doanh nghiệp CNHT còn thiếu và yếu
Hiện nay, ngành CNHT của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Các sản phẩm CNHT của tỉnh chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài sản xuất. CNHT khu vực DN trong nước phát triển khá chậm, với số lượng còn ít, quy mô DN nhỏ, năng lực vốn, công nghệ, sản xuất còn hạn chế, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt. Tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp. Quy mô và năng lực cạnh tranh của các DN còn yếu, nhiều DN chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.
Một trong những hạn chế của CNHT là còn phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh, phụ kiện đầu vào từ nước ngoài. Số liệu từ Sở Công Thương cho thấy, toàn tỉnh hiện có 13 nhóm mặt hàng phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, gồm: Máy móc thiết bị, hóa chất, nguyên liệu giày da, may mặc, hàng tiêu dùng, nguyên liệu hải sản, bao bì, khí công nghiệp, nguyên liệu gạch men, phân bón… Trong số này, ngành hàng phải nhập khẩu nhiều nhất là gỗ, giày da (80%); linh kiện, thiết bị cơ khí, điện tử 70%; may mặc 60%. Vì vậy, khi dịch COVID-19 bùng phát tại các quốc gia cung ứng linh, phụ kiện như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... các ngành công nghiệp này của Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng đã gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty CP May xuất khẩu Vũng Tàu cho biết, hiện chỉ có một số ít nguyên liệu của công ty được mua trong nước. Trong khi đó, vải là nguồn nguyên liệu chính nhưng gần 80% phải nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc. Do đó, theo ông Quý, để ngành may mặc phát triển bền vững, cần có những khu công nghiệp sản xuất các sản phẩm phụ trợ như: sợi, hóa chất, chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa...
Phát triển CNHT là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Trên địa bàn tỉnh hiện có 805 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; trong đó có 23 dự án công nghiệp chất lượng cao; 77 dự án công nghiệp hỗ trợ. Một số ngành sản xuất sản phẩm đầu vào công nghiệp như thép, nhựa, hóa dầu, cơ khí… được lựa chọn để trở thành ngành công nghiệp chủ lực phục vụ cho chuỗi sản xuất công nghiệp hiện đại.
Thời gian qua, CNHT đã được tỉnh quan tâm và định hướng là một trong những ngành ưu tiên phát triển, nhờ đó, số lượng và chất lượng của các DN CNHT ngày càng được cải thiện rõ rệt. Một số DN CNHT ngày càng tích cực sử dụng các công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia. Tỉnh cũng đã có quy hoạch phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ để tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút đầu tư và triển khai xây dựng được các dự án quy mô lớn như: Tổ hợp Hóa dầu miền Nam với vốn đầu tư 5,4 tỷ USD; Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam của Tập đoàn Hyosung với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD; nhà máy sản xuất tôn mạ kẽm, tôn mạ màu và ống thép màu, quy mô 600.000 tấn/năm; dự án đầu tư xây dựng nhà máy kính nổi siêu trắng; nhà máy giấy Marubeni… Sản phẩm của các dự án này là nguồn nguyên liệu, nhiên liệu dồi dào cho các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo hạ nguồn, nhờ đó sẽ tác động tích cực thu hút, thúc đẩy nhiều dự án sản xuất sản phẩm thuộc ngành CNHT đầu tư vào tỉnh trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh. Đồng thời tiếp tục kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường.
Giai đoạn 2020-2025, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng sẽ phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, phát triển công nghiệp chất lượng cao và CNHT là nhiệm vụ trọng tâm. Để đạt mục tiêu này, tỉnh xác định tiếp tục lựa chọn các dự án công nghiệp lớn, công nghệ hiện đại, không thâm dụng lao động, tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và các dự án CNHT.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy ngành CNHT phát triển tương xứng với tiềm năng, theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung rà soát các dự án sản xuất, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng công nghiệp lớn phục vụ cho xuất khẩu. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa các dự án CNHT vào vận hành, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu, nâng cao vị trí của DN CNHT trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, tỉnh cũng có các giải pháp tạo điều kiện phát triển CNHT; tập trung nâng cao năng lực khoa học và công nghệ cho DN CNHT, nhằm tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của DN CNHT; hỗ trợ các DN CNHT để tăng khả năng liên kết và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; khuyến khích DN có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho DN trong nước tham gia sâu chuỗi cung ứng…
Với định hướng tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, cùng nhiều giải pháp quyết liệt, tin tưởng rằng, ngành công nghiệp nói chung và CNHT nói riêng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ sớm có sự bứt phá. Và mục tiêu trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sẽ sớm trở thành hiện thực trong tương lại không xa.
Hồng Trường