"Nắn" dòng vốn
Kỳ họp thứ chín HÐND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu khóa 6 diễn ra trong ba ngày, từ 12 đến 14-12 vừa qua, với nhiều phiên tranh luận, chất vấn sôi nổi. Những vấn đề bức xúc của nhân dân, những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành đều được đặt lên bàn nghị sự. Tuy nhiên, "nóng" nhất vẫn là những giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc phải làm sao để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, để không bị hụt hơi trong thu hút đầu tư... Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình cho biết, trong năm trụ cột kinh tế của địa phương hiện nay thì du lịch đang được xem là ngành chậm chuyển động nhất. Rất nhiều ý kiến cho rằng du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu đang ngày càng tụt hậu, không có nhiều sản phẩm chất lượng cao, không giữ chân được du khách. Ðây là một thực tế. Ðể khắc phục, Bà Rịa - Vũng Tàu đang đẩy mạnh xúc tiến mời gọi đầu tư vào các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh. "Năm 2019, chắc chắn nhiều dự án du lịch lớn của tỉnh sẽ được xúc tiến, triển khai, trong đó có dự án Paradise Vũng Tàu, với tổng diện tích hơn 220 ha. Ðây được xem là khu đất "vàng", được rất nhiều tập đoàn lớn, cả trong nước và ngoài nước, "đánh tiếng" sẵn sàng đầu tư. Tỉnh cũng đã xây dựng xong bộ tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư vào khu đất này. Theo đó, tổng vốn đầu tư của dự án không thấp hơn 1 tỷ USD, với các phân khu chức năng cụ thể, như: sân gôn, thủy cung, khu trình diễn lễ hội... Sau khi hoàn thành, chắc chắn sẽ là điểm nhấn quan trọng của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu" - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trình khẳng định.
Thống kê của Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy, năm 2018, tỉnh đã có 34 dự án FDI được cấp phép với tổng vốn đăng ký hơn 3,6 tỷ USD, trong đó chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện mặt trời, du lịch với 33 dự án. Ðây đều là những lĩnh vực vốn được xem là thế mạnh của địa phương, được kỳ vọng, chuẩn bị từ nhiều năm trước, với việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu, mời gọi vào những dự án du lịch lớn, xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao... Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Lê Hoàng Hải, cùng với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương đi đầu trong việc công khai các ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư để hướng dòng vốn vào những lĩnh vực ưu tiên. Nhờ vậy, đến nay nhiều tập đoàn kinh tế, công nghiệp lớn trên thế giới, như: Kyoei, Nippon, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Posco, ACDL, CJ, Lotte, BP, SCG, Hyosung... đều đã có mặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư có năng lực, tham gia nghiên cứu, triển khai các dự án: Núi Dinh, Safari, Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ. Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các dự án đầu tư: Khu đô thị Bàu Trũng, Khu du lịch mũi Nghinh Phong, Khu du lịch Marina City - Tuần Châu, khu đô thị Gò Găng…
Thu hút đầu tư có chọn lọc
Thực tế trong hai năm 2015-2016, khi bộ tiêu chí về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh được triển khai, Bà Rịa - Vũng Tàu đứng trước thực trạng sụt giảm nghiêm trọng cả về nguồn vốn đăng ký lẫn số lượng các dự án đầu tư. Nhiều dự án có quy mô lớn, nguồn vốn đầu tư cao đã bị từ chối bởi nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên liệu. Một số dự án có tính gia công, sử dụng nhiều lao động cũng đã không thể vượt qua "hàng rào" kỹ thuật này. Tuy nhiên, việc sụt giảm không làm ảnh hưởng sự "hấp dẫn" của địa phương. Với việc xây dựng bộ tiêu chí thu hút đầu tư, tỉnh đang dần chủ động hơn trong việc tiếp cận những nhà đầu tư có đẳng cấp, uy tín, đồng thời hạn chế những lĩnh vực, ngành nghề không thích hợp. Ðể nâng cao chất lượng các dự án đầu tư, tháng 7-2017, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TU về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, tỉnh kiên trì mục tiêu đầu tư có chọn lọc, với các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sức lan tỏa. Trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh phấn đấu thu hút 80 dự án FDI, với vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD và 90 dự án trong nước với khoảng 100 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký...
Ðể triển khai mục tiêu đề ra với các tiêu chí cụ thể, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng kế hoạch tiếp cận các doanh nghiệp tại các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, trong đó chú trọng Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Long: Trong 34 dự án FDI được cấp phép trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tới hơn 20 dự án là của doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc và hiện Hàn Quốc cũng là quốc gia dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đăng ký gần 5 tỷ USD. Trong đó có nhiều dự án lớn như: Nhà máy sản xuất thép Posco với tổng vốn đầu tư 1,12 tỷ USD; dự án Posco SS-Vina với mục tiêu sản xuất thép, gia công thép có tổng vốn đầu tư 704 triệu USD; cảng Posco SS-Vina với tổng vốn đầu tư khoảng 37 triệu USD; Nhà máy sản xuất polypropylene và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng của Tập đoàn Hyosung có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD... Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là địa phương sớm thành lập Văn phòng Japan Desk nhằm chủ động tiếp cận cộng đồng doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Kể từ khi thành lập văn phòng này đến nay, đã có hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản đến địa phương tìm hiểu cơ hội và xúc tiến các hoạt động đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, việc kiên định mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc không những giúp loại bỏ những dự án không phù hợp, công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, tiêu tốn nhiều nguyên liệu mà quan trọng hơn là tỉnh đã và đang tạo ra một hệ sinh thái để những doanh nghiệp công nghệ cao, có tiềm lực tài chính, có uy tín tin tưởng và mạnh dạn đầu tư. Ðây chính là động lực giúp địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của năm trụ cột kinh tế là: công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, để từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào ngành dầu khí.
Theo báo Nhân dân