Theo Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Bắc Giang có hơn 600 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Đa phần là các DN nhỏ và vừa nằm ở cụm công nghiệp (CCN) và ngoài khu công nghiệp (KCN), CCN. Trong các KCN có 8 DN đang sản xuất ngành CNHT, tập trung vào 3 nhóm ngành nghề: Sản xuất linh kiện; lĩnh vực công nghiệp chế tạo và ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời.
Trong những năm qua, ngành Công nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã đạt nhiều kết quả tích cực, có tốc độ tăng trưởng ổn định, trong đó CNHT đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển đó. Nhiều dự án mới được đầu tư đi vào hoạt động phát huy hiệu quả, từng bước khẳng định là một trong những ngành kinh tế chủ lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thu hút nhiều dự án CNHT
Sự đổ bộ đầu tư của dòng vốn nước ngoài, nhất là các tập đoàn lớn cũng kéo theo chuỗi CNHT phát triển. Một số dự án FDI có quy mô lớn được đầu tư vào Bắc Giang như: Dự án Nhà máy Fukang Technology của Nhà đầu tư Foxconn Singapore Pte.,Ltd với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 453 triệu USD; dự án Công nghệ tế bào quang điện JA Solar PV Việt Nam của Nhà đầu tư JA Solar Investment (Hong Kong) Limited với số vốn đăng ký đạt 210 triệu USD…
Thời gian qua, để phát triển những ngành chủ lực, tỉnh đã hình thành và thu hút được một số dự án đầu tư trong lĩnh vực CNHT như: Dự án nhà máy sản xuất, gia công linh kiện máy móc chế tạo Yoshimura Kogyo Việt Nam; dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Daeyang…
Theo đó, Bắc Giang xác định rõ, đối tác ưu tiên thu hút đầu tư, đối với các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, khuyến khích, thu hút các đối tác có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ; không khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài không có cam kết đầu tư lâu dài tại tỉnh (các dự án nhỏ thuê lại nhà xưởng), phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay.
Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng hoạt động sang CNHT
Giữa năm 2021, Bắc Giang từng là tâm dịch Covid-19 đã khiến nhiều DN trên địa bàn gặp khó khăn, nhưng cũng chính vì thế mà nhiều DN đã chuyển đổi sang sản xuất hàng CNHT, cho thấy nhiều tín hiệu tích cực.
Công ty TNHH Công nghệ dẫn nhiệt Meiteck Bắc Giang thành lập và đi vào hoạt động năm 2022, với tổng vốn đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất 25 tỷ đồng tại phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang. Công ty chuyên sản xuất tem dẫn nhiệt, ốc vít inox làm linh kiện cho máy tính, cung ứng cho một số DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Bà Huỳnh Thị Hằng, Giám đốc Công ty chia sẻ: "Trước năm 2020, tôi từng mở DN may mặc. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên DN thua lỗ, phải nhượng lại cho đơn vị khác. Gần đây, làn sóng đầu tư của các DN FDI “đổ bộ” vào Việt Nam, nhất là tại Bắc Giang khá đông nên tôi chuyển sang sản xuất sản phẩm CNHT. Hiện doanh thu của đơn vị đạt khoảng 400 triệu đồng/tháng, bước đầu có lãi”.
Từ năm 2022 đến nay, các DN CNHT sản xuất ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 31,51% so với năm 2021; trong đó, ngành công nghiệp chế tạo tăng hơn 33%. Đạt được chỉ số trên là do một số DN thuộc ngành điện tử mở rộng sản xuất như: Công ty TNHH Luxshare ICT Việt Nam (năm 2022 doanh thu tăng 80% so với năm 2021), Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu (doanh thu năm 2022 tăng gấp 1,45 lần so với năm 2021)… nên đã kéo theo sự phát triển của các DN phụ trợ.
Tăng cường tiếp sức cho các DN CNHT
Hiện các DN CNHT tiếp tục là lĩnh vực có tốc độ phát triển cao, đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng công nghiệp của tỉnh; đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị của cả nước. Tuy có bước phát triển nhưng hiện các DN CNHT trong tỉnh đang phải đối mặt nhiều khó khăn. Ngoài khó khăn do khách quan mang lại như dịch Covid-19, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, lạm phát… đa phần các DN CNHT của tỉnh là DN nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính thấp; chất lượng sản phẩm không cao; trình độ quản lý còn nhiều bất cập,… khó đáp ứng yêu cầu của các DN sản xuất chính. Trong khi đó, nguồn kinh phí được cấp hằng năm cho CNHT còn hạn chế, mức hỗ trợ thấp, nhất là với các dự án có mức đầu tư cao.
Nhiều DN tại Bắc Giang đã chuyển đổi sang sản xuất hàng CNHT cho thấy tín hiệu tích cực
Do đó, thời gian qua, DN CNHT đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ, địa phương bằng các hình thức như: Cung cấp thông tin thị trường; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, mở rộng thị trường…
Tính từ năm 2020 đến nay, nhờ chính sách khuyến công của Chính phủ và chủ trương hỗ trợ của tỉnh, Bắc Giang có 13 DN sản xuất CNHT trên địa bàn các huyện: Lạng Giang, Hiệp Hòa, Lục Nam, Việt Yên và TP Bắc Giang được hỗ trợ mua sắm thiết bị sản xuất với tổng kinh phí 3,9 tỷ đồng.
Để các DN sản xuất CNHT “bước chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Tiến sĩ Phùng Minh, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang cho rằng, tỉnh cần phải làm tốt khâu kết nối, tăng cường hỗ trợ DN nâng cao trình độ quản lý, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới để đáp ứng sản xuất những linh kiện có hàm lượng chất xám cao, đạt yêu cầu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành những nhà cung ứng sản phẩm tốt.
Về phía DN sản xuất CNHT cần tích cực tham gia các hội chợ, tăng cường quảng bá sản phẩm, hình ảnh của DN, thu hút bạn hàng. Nhà nước quan tâm áp dụng triệt để hơn nữa Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, có chính sách rõ ràng hơn, tập trung vào các DN CNHT. Có như vậy, các DN CNHT mới có thể tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách hiệu quả.
Duy Tiên