Hiện, tỉnh có 724 hợp tác xã; trong đó lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản có 466 hợp tác xã; lĩnh vực phi nông nghiệp có 238 hợp tác xã và có 20 quỹ tín dụng nhân dân. Doanh thu bình quân năm đạt ba tỷ đồng/hợp tác xã; thu nhập của người lao động đạt 65 triệu đồng/người/năm. Các liên hiệp hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, có nhiều đổi mới về nội dung, thích ứng tốt với cơ chế thị trường. Để các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, tỉnh chỉ đạo các ban, ngành chú trọng nâng cao tính liên kết trong sản xuất của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; vận động thành lập mới, giao chỉ tiêu cho mỗi huyện, thành phố xây dựng từ một đến hai hợp tác xã kiểu mới. Tỉnh cũng đề ra cơ chế thông thoáng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thành lập hợp tác xã; triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích liên kết; nhất là đối với các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhằm huy động các lực lượng trong xã hội, các tổ chức đoàn thể tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, tỉnh đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã; tổ chức nhiều vệt, đợt tuyên truyền, tập huấn về Luật Hợp tác xã nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật của người dân cũng như doanh nghiệp.
* Để đạt tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 26-NQ/TW (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, năm 2019, tỉnh An Giang đã tổ chức 461 lớp đào tạo nghề cho 12 nghìn lao động nông thôn. Tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn trực tiếp lựa chọn cơ sở đủ điều kiện tổ chức đào tạo nghề để ký hợp đồng; chủ động lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp nhu cầu xã hội. Theo báo cáo của các cơ sở đào tạo nghề, số lao động được tuyển dụng sau đào tạo đạt hơn 80%. Bên cạnh đó, An Giang cũng đã tổ chức các lớp đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Tỷ lệ được tuyển dụng của đối tượng này đạt hơn 90%. Trong năm 2020, tỉnh sẽ triển khai các biện pháp nhằm thu hút đông đảo lao động nông thôn tham gia đào tạo nghề như hỗ trợ chi phí đào tạo cho các đối tượng: người khuyết tật, người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh. Ngoài ra, lao động nông thôn được hỗ trợ cho vay tín dụng để tự tạo việc làm.
Đối với lực lượng giáo viên, tỉnh tập trung bồi dưỡng sư phạm dạy nghề, kỹ năng dạy học, kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp; bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý và tư vấn đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho cán bộ quản lý cấp tỉnh, huyện, xã, cơ sở đào tạo nghề.
Theo Báo Nhân Dân