Thứ Hai, 07/07/2025 17:17:58 GMT+7
Lượt xem: 405

Tin đăng lúc 07-07-2025

Tỉnh Hưng Yên mới với mục tiêu vượt mốc 100.000 tỷ đồng trong năm 2025

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, Thái Bình và Hưng Yên trước sáp nhập đã có tổng thu ngân sách gần 74.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Tỉnh Hưng Yên mới với mục tiêu vượt mốc 100.000 tỷ đồng trong năm 2025
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Thận phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên

Như vậy, tỉnh Hưng Yên sau sáp nhập khả năng cao sẽ vượt mốc 100.000 tỷ đồng trong năm 2025.

 

Xây dựng tỉnh Hưng Yên sau hợp nhất phát triển bứt phá

 

Ngay sau ngày đầu tiên chính thức vận hành tỉnh mới Hưng Yên trên cơ sở sáp nhập Hưng Yên - Thái Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Thận chủ trì hội nghị với các sở, ngành, đơn vị liên quan.

 

Báo cáo của Sở Tài chính Hưng Yên cho thấy, trước khi hợp nhất, hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình đều đã đạt được những kết quả quan trọng trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025.

 

Theo đó, 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số; cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng của Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội hai tỉnh trước khi hợp nhất đạt mức tăng trưởng khá, cao hơn mục tiêu Chính phủ và HĐND tỉnh giao.

 

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) của tỉnh Hưng Yên trước khi hợp nhất tăng 9%. Giá trị sản xuất các ngành công nghiệp và xây dựng tăng 10,67%; thương mại và dịch vụ tăng 6,61%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4.200 triệu USD, tăng 29,23%; nhập khẩu 3.556 triệu USD, tăng 19,13% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 37.782 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ.

 

Công tác thu hút đầu tư đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay với tổng vốn đầu tư, cấp mới và điều chỉnh tăng thêm trong kỳ 103.312 tỷ đồng và 593,8 triệu USD. Tổng thu ngân sách nhà nước đến ngày 29/6/2025 đạt 44.963 tỷ đồng, đạt 100,1% dự toán giao cả năm.

 

Đối với tỉnh Thái Bình, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn ước đạt 36.154 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng giá trị sản xuất ước đạt 105.954 tỷ đồng, tăng 14,01% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp tăng 22,28%, nông nghiệp tăng 2,27%, xây dựng tăng 6,88%, dịch vụ tăng 9,62%.

 

Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 28.928 tỷ đồng, đạt 127% dự toán, tăng 113,6% so với cùng kỳ năm 2024, cao nhất từ trước đến nay.

 

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo toàn diện, thực chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ tốt đời sống tinh thần của nhân dân. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng cao. Công tác y tế được triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực.

 

Cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt kết quả nổi bật. Kết quả xếp hạng chỉ số PCI năm 2024, tỉnh Hưng Yên vươn lên thuộc nhóm 10 tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước, tăng 2 bậc so với năm 2023; tỉnh Thái Bình tăng một bậc so với năm 2023, thuộc tốp 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững.

 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh: 6 tháng cuối năm 2025 trong bối cảnh bộ máy chính quyền địa phương hai cấp của tỉnh Hưng Yên sau hợp nhất mới đi vào hoạt động, nhiệm vụ bảo đảm cho yêu cầu phát triển là rất nặng nề.

 

Vì thế, toàn tỉnh phải hướng đến và thống nhất quan điểm một quê hương, chung mục tiêu và cùng hành động để xây dựng tỉnh Hưng Yên sau hợp nhất phát triển bứt phá; xây dựng nền hành chính thân thiện, hiện đại, thông suốt, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời hướng đến mục tiêu đời sống của nhân dân khá giả, thịnh vượng, hạnh phúc.

 

Để thực hiện các mục tiêu trên, ông Nguyễn Khắc Thận đề nghị tập thể Đảng ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương phải thực sự đoàn kết, thống nhất, hoạt động tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy chế và nguyên tắc; làm việc tận tâm, tận lực, trách nhiệm với phương châm hiệu quả công việc là thước đo đánh giá năng lực công tác.

 

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị phải chủ động, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ, tuyệt đối không gây khó khăn, phiền hà, cho người dân, doanh nghiệp khi thực thi công vụ.

 

Trước mắt, ưu tiên vận hành chính quyền địa phương 2 cấp thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm công việc không gián đoạn, ngắt quãng, trong đó các sở, ngành, địa phương nhanh chóng ổn định tổ chức để vận hành bộ máy mới; quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; đồng thời khẩn trương rà soát, xác định đúng, chính xác nhu cầu để bố trí nơi ăn nghỉ, phương tiện đi lại hợp lý để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động yên tâm khi sang tỉnh mới làm việc…

 

Chuẩn bị tốt các căn cứ, cơ sở pháp lý, xây dựng quy chế làm việc của các cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.

 

Đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Tài chính tham mưu, xây dựng kịch bản tăng trưởng cả năm 2025, trong đó đặc biệt lưu ý 6 tháng cuối năm 2025, từ đó xác định rõ mục tiêu phấn đấu tăng trưởng của từng sở, ngành, đơn vị và từng lĩnh vực cụ thể; phối hợp với Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh hoàn thiện báo cáo chính trị về đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025, xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2025 - 2030.

 

Các sở, ngành tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch của tỉnh và ngành, lĩnh vực trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế và xác định trục động lực tăng trưởng; tham mưu thành lập ban chỉ đạo rà soát, bổ sung quy hoạch của tỉnh.

 

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương triển khai tích cực, quyết liệt, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách những tháng cuối năm; tập trung giải ngân vốn đầu tư công, phân bổ nguồn lực đầu tư bảo đảm tập trung, không dàn trải, ưu tiên ngành, lĩnh vực tạo động lực cho sự phát triển; tăng cường công tác quản lý tài sản công và chuyển giao các dự án bảo đảm phân cấp rõ ràng, đúng quy định.

 

Song song, tập trung quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, phục vụ triển khai các dự án, nhất là các dự án trọng điểm trên địa bàn, đồng thời tăng cường quản lý, xử lý sai phạm, vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư vào địa bàn;

 

Các ngành tập trung rà soát tháo gỡ những vướng mắc, tồn đọng liên quan đến các quy định của pháp luật; đồng thời nghiên cứu, đề xuất thống nhất các cơ chế chính sách sau khi hợp nhất tỉnh; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch;...

 

Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nắm chắc tình hình địa bàn cơ sở, tham mưu giải quyết từ sớm, từ xa các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

 

Hưng Yên vận hành thông suốt mô hình chính quyền hai cấp

 

Sau khi hợp nhất, tỉnh Hưng Yên có 104 xã, phường với diện tích 2.514,81 km² và quy mô dân số gần 3,57 triệu người. Toàn tỉnh hiện có 4.672 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cấp xã, bình quân mỗi xã, phường bố trí khoảng 45 người.

 

Chỉ sau 4 ngày triển khai, bộ máy chính quyền cấp xã mới cơ bản ổn định, đi vào hoạt động nền nếp. Tại 104 xã, phường, kỳ họp thứ nhất HĐND, UBND được tổ chức trang trọng, đúng quy trình, đảm bảo chất lượng.

 

Các cơ quan chuyên môn, tổ chức Đảng, đoàn thể, MTTQ… đã hoàn tất công tác kiện toàn nhân sự và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể. Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã cũng đã được đầu tư trang thiết bị, bố trí nhân sự, bảo đảm không gián đoạn việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

 

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các xã, phường được đánh giá cao: nghiêm túc, trách nhiệm, đoàn kết và đồng thuận với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính theo mô hình hai cấp. Nhân dân trên địa bàn bày tỏ sự đồng thuận, kỳ vọng vào bộ máy chính quyền mới, tin tưởng vào sự đổi mới, hiệu quả trong phục vụ người dân và thúc đẩy phát triển địa phương.

 

Tại hội nghị đánh giá bước đầu việc vận hành mô hình chính quyền hai cấp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Thận ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các địa phương và yêu cầu tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả điều hành, không để công việc bị gián đoạn.

 

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh việc tổ chức đại hội Đảng bộ các xã, phường nhiệm kỳ 2025–2030 phải hoàn thành trước 15/7, đặc biệt cần xác định rõ động lực tăng trưởng, lợi thế phát triển trong báo cáo chính trị trình đại hội.

 

UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành: Sở Nội vụ hướng dẫn bố trí nhân sự cấp xã theo vị trí việc làm, tổ chức tập huấn nghiệp vụ; Sở Tài chính rà soát, tham mưu phương án phân bổ nguồn lực để bảo đảm điều kiện làm việc tại cơ sở; các ngành khác tăng cường kiểm tra, tháo gỡ khó khăn và phối hợp cùng địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Để tỉnh Hưng Yên mới đạt được nhiều kết quả vượt kế hoạch đề ra.

 

Theo diendandoanhnghiep.vn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang