Gần đây, tỉnh Bắc Kạn có bước đột phá mạnh trong thu hút đầu tư. Chỉ trong 2 năm 2020-2021, số vốn đầu tư vào địa phương này chiếm hơn 60% tổng mức đầu tư của 25 năm tái lập tỉnh, đặc biệt là đã có sự dịch chuyển hướng đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh của địa phương là du lịch và nông lâm nghiệp.
Cuối năm 2020, ông Đỗ Chu Đạt - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa đường Dầu khí Việt Nam đã quyết định đầu tư tại Bắc Kạn với một trong những lĩnh vực hoàn toàn mới, đó là đầu tư hạ tầng cụm Công nghiệp Cẩm Giàng và triển khai dự án nhà máy điện sinh khối công suất 30MW, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng. Doanh nghiệp còn tham gia trồng gần 2.000 ha rừng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy điện và xây dựng cơ sở chế biến đồ uống công suất dự kiến 2 triệu lít/năm.
Ông Đỗ Chu Đạt cho biết: "Động lực lớn nhất đó là môi trường đầu tư tại Bắc Kạn đã được cải thiện một cách rõ rệt so với 13 năm trước tôi lên đây. Thủ tục và môi trường đầu tư rất tốt. Ví như trước đây tôi xin chủ trương đầu tư dự án trồng rừng tại 4 xã của huyện Pác Nặm phải mất đến 2 năm, nay tôi làm thủ tục đầu tư chỉ mất có gần 4 tháng thôi. Có thể thấy thời gian đã giảm đến hơn 2/3, mà với doanh nghiệp thời gian chính là vàng bạc”.
Chỉ trong 2 năm 2020-2021, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 44 dự án lớn, tổng số vốn hơn 7.200 tỉ đồng. Hơn 20 nhà đầu tư khác cũng đã được Bắc Kạn chấp thuận đến nghiên cứu, khảo sát đề xuất dự án và tài trợ quy hoạch với tổng số vốn dự kiến lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng, trong đó có sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn trong nước.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Bắc Kạn cho biết: “So với từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, số dự án thu hút đầu tư vào Bắc Kạn 2 năm qua đã chiếm khoảng 30% và số vốn chiếm khoảng 60%. Tỉnh cũng mới ban hành nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Hàng năm tỉnh đều có điều tra, khảo sát năng lực cạnh tranh tại cấp huyện và các sở, ngành để có đánh giá sát thực, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư. Riêng Sở KH&ĐT cũng thành lập Trung tâm xúc tiến hỗ trợ đầu tư, từ khi thành lập năm 2019 đến nay cũng đã hỗ trợ cho hàng trăm doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư tại tỉnh”.
Nếu như nhiều năm trước, khai mỏ, chế biến khoáng sản luôn là lĩnh vực được quan tâm nhất thì những dự án mới đây, phần lớn là lĩnh vực du lịch, trọng điểm là du lịch hồ Ba Bể, bên cạnh đó là trồng rừng và chế biến nông lâm sản. Ngoài ra, một số dự án đầu tư hạ tầng, khu dân cư đô thị cũng đã được triển khai.
Bà Nông Thị Kiểm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Leechenwood Việt Nam, một đơn vị đã đầu tư lĩnh vực chế biến sâu lâm sản từ gỗ rừng trồng tại Bắc Kạn đánh giá: “Tỉnh Bắc Kạn là một trong những địa phương có diện tích trồng rừng lớn, nguồn nguyên liệu rất phong phú và tiềm năng. Tuy vậy giữa các khâu từ trồng rừng đến sản xuất chế biến vẫn chưa có sự gắn kết chặt chẽ. Để giải quyết vấn đề này, từ người dân, chính quyền địa phương, đến các doanh nghiệp chế biến cần tạo cơ chế phối hợp, gắn bó chặt chẽ hơn để nâng cao hiệu quả sản xuất”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định du lịch và chế biến nông, lâm sản trở thành mũi nhọn đột phá cho kinh tế địa phương. Đặc biệt, Bắc Kạn đang triển khai 2 tuyến giao thông huyết mạch nối từ Thái Nguyên đến thành phố Bắc Kạn và từ thành phố Bắc Kạn đến hồ Ba Bể. Việc tháo gỡ điểm nghẽn giao thông chính là điều kiện quan trọng để địa phương này đón những luồng vốn mới.
Ông Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn khẳng định: “Nói về chuyển biến thu hút đầu tư, phải khẳng định chúng tôi đã có cách nhìn mở hơn, mặc dù có sự chọn lọc kỹ càng nhưng trên cơ sở cả hệ thống chính trị từ Ban Thường vụ, Ban Chấp hành đến đảng bộ, chính quyền các cấp đều trên tinh thần người người cùng thu hút đầu tư, cùng hướng dẫn, giúp đỡ nhà đầu tư về thủ tục, tháo gỡ khó khăn khi triển khai dự án. Thực tế chúng tôi đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về các thủ tục, chính vì vậy được cộng đồng các nhà đầu tư đánh giá cao và họ khá yên tâm khi đến đầu tư tại Bắc Kạn”.
Với việc có hàng trăm ngàn ha rừng trồng, hơn 130 sản phẩm OCOP, có hồ Ba Bể, hồ Nặm Cắt chưa được khai thác cùng một thị trường bất động sản tiềm năng, đặc biệt là việc môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện tích cực… Bắc Kạn hứa hẹn sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong thời gian tới./.
Theo VOV