Nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản
Đối với những vùng sản xuất có quy mô nhỏ, Bắc Kạn khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với xây dựng sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm). Theo cách này, dù quy mô chế biến không lớn nhưng hầu hết các sản phẩm đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, từng bước khẳng định giá trị.
Chúng tôi tới xã Côn Minh, thủ phủ chế biến sản phẩm miến dong từ củ dong riềng của tỉnh Bắc Kạn. Mặc dù không phải thời gian sản xuất chính vụ nhưng tiếng máy vẫn nổ giòn ở khắp các cơ sở sản xuất. Côn Minh có hơn 20 cơ sở chế biến đã cơ giới hóa, tạo việc làm cho hàng trăm nhân công, bao tiêu hàng trăm héc-ta dong riềng. Trung bình mỗi vụ, toàn xã sản xuất được khoảng gần 1.000 tấn miến, tiêu thụ ở Thái Nguyên, Hà Nội, một số tỉnh phía nam, thu về trên dưới 40 tỷ đồng.
Hợp tác xã (HTX) Tài Hoan là một trong những cơ sở thực hiện bài bản từ đầu tư máy móc cho tới chế biến, đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ, quảng bá. Hằng năm, HTX tiêu thụ được hơn 1.500 tấn củ dong riềng; sản xuất hơn 225 tấn bột và khoảng 150 tấn miến. HTX đã có hơn 20 điểm giao hàng bán buôn, bán lẻ trong tỉnh, ngoài tỉnh, sản phẩm có mặt tại nhiều đại lý, cửa hàng, các kênh bán hàng online (trực tuyến); siêu thị Hapro ở Hà Nội và đạt sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Bắc Kạn năm 2018. Giám đốc HTX Nguyễn Thị Hoan cho biết, quá trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, có bao bì, nhãn mác, mã vạch, chứng nhận của ngành chuyên môn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể, từ nguồn kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng của tỉnh và vốn đối ứng 320 triệu đồng, HTX Nhung Lũy đầu tư máy công nghiệp sấy thịt, nhồi thịt tự động, máy thái, hút chân không, tủ bảo ôn... để mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm OCOP lạp sườn gác bếp. Nhờ cách làm bài bản, liên kết chặt chẽ, HTX đã ký kết hợp tác cung cấp sản phẩm cho 17 siêu thị thuộc hệ thống Big C và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, đặc sản vùng miền trên toàn quốc. HTX đã xây dựng, triển khai kế hoạch tiếp cận các điểm bán mới, như: Khu đô thị Ecopark, Ciputra...
Trong năm 2019, Bắc Kạn đã hỗ trợ máy móc cho HTX Mai Lạp (huyện Chợ Mới) sản xuất măng khô; máy xát gạo liên hoàn cho HTX Yến Dương (huyện Ba Bể) phát triển sản phẩm gạo nếp tài; hỗ trợ máy móc chế biến bún khô cho HTX Hồng Luân (huyện Chợ Đồn); máy móc chế biến chè Shan tuyết cho Công ty TNHH phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng (huyện Chợ Đồn); máy móc, thiết bị chế biến sản xuất rượu cho HTX OCOP Quế Thanh (huyện Chợ Đồn); máy sấy măng khô cho HTX Đại Hà (huyện Bạch Thông); dây chuyền sản xuất tinh dầu cho HTX Hương Ngàn (huyện Bạch Thông). Đồng thời hỗ trợ theo đề án khuyến công hơn 800 triệu đồng mua máy móc chế biến nông sản cho một số doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất.
Sau hỗ trợ, hầu hết các cơ sở chế biến nông, lâm sản quy mô vừa và nhỏ đều phát huy hiệu quả. Quýt Bắc Kạn là loại quả đã được cấp chỉ dẫn địa lý, tuy nhiên, loại quả nhỏ trước đây thường bị vứt bỏ do không bán được. Được hỗ trợ của tỉnh, HTX Hương Ngàn đầu tư hệ thống chưng cất tinh dầu quýt với công suất hai tấn/ngày, mở rộng thêm nhà xưởng để bảo đảm cho việc vận hành đạt hiệu quả. HTX đã ký kết hợp đồng bao tiêu với Công ty cổ phần Sao Thái Dương, Công ty TNHH Hữu Nghị Lạng Sơn, Công ty TNHH Thịnh Phát - Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Thu hút đầu tư cho công nghiệp chế biến
Bắc Kạn triển khai nhiều chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến nông, lâm sản. Năm 2015, được hỗ trợ của tỉnh, Công ty TNHH Trường Thành Bắc Kạn đầu tư 15 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại xã Bình Trung (Chợ Đồn) với công suất chế biến 19.300 m3 gỗ nguyên liệu/năm; sản xuất đũa gỗ 4.310 tấn sản phẩm/năm; gỗ ghép thanh 3.200 m3 sản phẩm/năm; dăm gỗ 3.200 tấn sản phẩm/năm. Từ tháng 9-2018 nhà máy chính thức hoạt động, mỗi ngày tiêu thụ 30 m3 gỗ. Những năm trước, giá gỗ keo chu vi 50 cm ở Chợ Đồn chỉ 500 nghìn đồng/m3. Từ khi có nhà máy của công ty, giá đã lên 1,2 triệu đồng/m3. Nhà máy tạo việc làm cho khoảng 60 người dân địa phương, mức lương ổn định từ 4,5 triệu đồng/người/tháng trở lên. Mỗi tháng, nhà máy xuất bán sang thị trường Nhật Bản khoảng 80 m3 đũa gỗ, giá trị hơn 1,5 tỷ đồng.
Đến nay, Bắc Kạn đã có 230 cơ sở, nhà máy chế biến gỗ, đáp ứng vùng nguyên liệu rừng trồng rộng lớn của tỉnh. Tại Khu công nghiệp Thanh Bình, Công ty chế biến gỗ GOVINA đầu tư 160 tỷ đồng xây dựng nhà máy công suất 120.000 m3/năm; sản xuất ván dán nội thất chất lượng cao, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, tạo việc làm cho 160 lao động với mức lương trung bình từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Nhà máy sản xuất ván ép và ván sàn của Công ty TNHH Le Chen Wood VN là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, có mức đầu tư 180 tỷ đồng, sản lượng 30.000 m3 ván dán và 200.000 m2 ván sàn/năm cũng đã đi vào hoạt động trong khu công nghiệp.
Tại Khu công nghiệp Thanh Bình (huyện Chợ Mới), Công ty TNHH Việt Nam Misaki đầu tư công nghệ chế biến của Nhật Bản để chế biến mơ quả, gừng, kiệu... xuất bán sang Nhật Bản. Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Misaki Hoàng Thị Lập cho biết, năm 2019, công ty đã thu mua hơn 500 tấn mơ quả với giá bình quân 14.000 đồng/kg. Năm 2020, công ty vừa tuyển dụng thêm, nâng tổng số lao động lên 50 người. Đồng thời, hợp đồng với nhiều địa phương, HTX trong tỉnh để phát triển vùng nguyên liệu quả mơ, củ gừng, rau cải... nhằm mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Hỗ trợ công ty, Bắc Kạn đã giao ngành chức năng triển khai đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ nghiên cứu xây dựng vùng nguyên liệu đầu vào cho công ty trên địa bàn.
Mặc dù có nhiều khởi sắc, nhưng cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng ở Bắc Kạn vẫn có công nghệ lạc hậu, năng suất thấp. Tổn thất sau thu hoạch còn lớn do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế; sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm khoảng 15 đến 30%. Cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản trong khi một số chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ... chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.
Để phát triển bền vững công nghiệp chế biến nông, lâm sản, Bắc Kạn triển khai khôi phục, phát triển 15 làng nghề; phấn đấu mỗi huyện có ít nhất một điểm trưng bày sản phẩm ngành nghề, có ít nhất 100 sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề gắn với Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" đạt từ 3 sao trở lên. Tỉnh lấy lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến gỗ và dược liệu là trọng tâm cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Mục tiêu giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến gỗ đến năm 2025 (theo giá so sánh) đạt 2.099 tỷ đồng, trong đó lâm nghiệp tăng 2,09 lần, chế biến tre, gỗ, nứa tăng thêm hơn 20 lần so với năm 2018. Đối với lĩnh vực trồng trọt, đến năm 2025 giá trị tăng thêm đạt 2.380 tỷ đồng, tăng 1,29 lần so với hiện tại (hiện nay là 1.845 tỷ đồng). Giá trị tăng thêm trong lĩnh vực chăn nuôi đạt 1.161 tỷ đồng, tăng 1,61 lần so với hiện tại.
Theo Báo Nhân Dân