*Bỏ nhiệt điện than
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia mới điều chỉnh gần đây (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), ĐBSCL sẽ trở thành khu vực có công suất nhiệt điện than lớn nhất cả nước vào năm 2030 (dự kiến vào khoảng 18.000 MW) với 14 nhà máy tại các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang và Trà Vinh. Trong đó, ở Bạc Liêu, dự án Nhà máy nhiệt điện Cái Cùng được đưa vào quy hoạch.
Được biết, cách đây hơn 1 năm, ngày 11/2/2015, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã làm việc với Công ty Kyushu và Công ty Sojitz về dự án Nhà máy điện Cái Cùng. Dự án này được đánh giá sẽ cung cấp một lượng điện lớn, góp phần làm thay đổi diện mạo của Bạc Liêu nói riêng và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL nói chung. Trong những bàn thảo trước đó giữa hai bên, phía Nhật Bản đã có những cam kết ban đầu về lựa chọn công nghệ, đảm bảo yếu tố môi trường từ khi xây dựng đến khi vận hành. Theo đó, không chỉ môi trường biển mà cả rừng đước tự nhiên của Bạc Liêu cũng sẽ được an toàn. Tuy nhiên, sau thời gian tính toán, cân nhắc, lãnh đạo tỉnh nhận định dù cam kết thế nào thì rủi ro, nguy cơ cũng có thể xảy ra. Vậy tại sao không chọn thế mạnh tiềm năng thủy hải sản sẵn có của địa phương để phát triển?
Bởi thế mạnh của Bạc Liêu chính là “thủ phủ tôm”. Bạc Liêu xác định mũi nhọn của kinh tế là phát triển nuôi tôm, với diện tích nuôi trồng thủy sản chiếm gần 50% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Sản lượng tôm hằng năm khoảng 105.000 tấn (đứng thứ hai cả nước), mang lại giá trị gần 11,5 ngàn tỉ đồng với nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao hàng đầu quốc gia và có thứ hạng cao trong khu vực Đông Nam Á. Bạc Liêu cũng là một trong những trung tâm sản xuất tôm giống của ĐBSCL và cả nước với sản lượng sản xuất 25 tỉ con giống/năm, chiếm 50% của vùng ĐBSCL và 19,23% cả nước. Tỉnh cũng đang nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu trở thành vùng nuôi tôm lớn nhất cả nước và xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, nhất là trong bối cảnh BĐKH.
Chính vì vậy, trước những nguy cơ do dự án Nhà máy điện Cái Cùng có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến định hướng phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản của tỉnh, Bạc Liêu đã xin rút dự án nhiệt điện than Cái Cùng trên địa bàn tỉnh ra khỏi quy hoạch điện VII. Và thay vì không làm nhiệt điện than, tỉnh này chọn khai thác nguồn năng lượng từ gió.
*Chọn năng lượng gió
“Việc bỏ nhiệt điện than thay bằng điện gió là quyết định mang tính đột phá, hợp thời đại, thể hiện sự chủ động của Chính phủ cũng như tỉnh Bạc Liêu trong việc lựa chọn mô hình phát triển sạch, bền vững theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và phát huy lợi thế của địa phương”. Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và Liên minh Phòng chống Bệnh Không Lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) đã khẳng định như vậy.
Hai tổ chức này còn cho rằng, quyết định này cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh tới môi trường, sức khỏe và sinh kế của cộng đồng - điều mà người dân nơi nào cũng kỳ vọng. Với việc ưu tiên phát triển điện gió, không chọn nhiệt điện than, Bạc Liêu trở thành địa phương đi tiên phong thực hiện chuyển đổi từ “kinh tế Nâu” sang “kinh tế Xanh”, thực hiện ngăn chặn nguy cơ gia tăng bệnh không lây nhiễm do ô nhiễm khí thải từ nhiệt điện than. Quyết định của tỉnh Bạc Liêu đã kịp thời đưa ra lời giải cho bài toán giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than ở Việt Nam.
Chỉ ra cơ sở vững chắc để Bạc Liêu phát triển nguồn năng lượng sạch, bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), đơn vị điều phối VSEA cho biết, “ĐBSCL có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào, nhất là năng lượng gió, mặt trời và sinh khối. Với những tiến bộ và tốc độ phát triển công nghệ năng lượng tái tạo cũng như xu thế giảm giá mạnh như hiện nay, ĐBSCL có nhiều cơ hội để sản xuất điện từ năng lượng tái tạo thay thế các nhà máy nhiệt điện đốt than, thúc đẩy kinh tế Xanh như Bạc Liêu đã lựa chọn”.
Trước đó, đầu năm 2016, Bạc Liêu cũng đã chính thức đưa Nhà máy Điện gió Bạc Liêu vào hoạt động. Dự án có quy mô 62 trụ turbine gió, công suất 99,2 MW, điện năng sản xuất khoảng 320 triệu KWh/năm, là dự án tiên phong có quy mô lớn trong lĩnh vực sử dụng năng lượng sạch để sản xuất điện. Đây chính là minh chứng cho một tương lai phát triển năng lượng sạch ở Bạc Liêu. Và đồng thời, nó cũng khiến những người dân nơi đây lâng lâng tự hào: “Vùng đất này giàu tôm, cá, đước và cả gió nữa. Những cơn gió biển bay bổng chúng tôi thời thơ bé, giờ tôi mới biết gió còn làm ra điện”.
Nguồn monre.gov.vn