Để khuyến khích những cơ sở có sản phẩm đạt tiêu chí tiêu biểu, bên cạnh việc tặng thưởng bằng tiền mặt, sản phẩm còn được in hoặc dán nhãn logo của chương trình bình chọn, được ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương để phát triển sản phẩm. Chủ cơ sở được tư vấn, tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của Nhà nước cho phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Trong năm 2018, Bạc Liêu có 7 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (SPCNNTTB) cấp tỉnh và 3 sản phẩm đạt SPCNNTTB cấp khu vực. Các sản phẩm được bình chọn chủ yếu là thực phẩm như bánh in, tôm khô, bánh hạnh nhân, mắm… và hàng tiêu dùng. Mặc dù giá trị công nghiệp các sản phẩm này không cao nhưng tỷ suất lợi nhuận, lợi ích xã hội lớn, góp phần đáng kể cho sự phát triển công nghiệp nông thôn của tỉnh.
Tôm khô Đa Giàu là một trong những SPCNNTTB của tỉnh Bạc Liêu. Từ một cơ sở sản xuất tôm khô nhỏ lẻ, sau nhiều năm được TTKC hỗ trợ tham gia hội chợ và các chương trình xúc tiến thương mại, đến nay, mặt hàng tôm khô Đa Giàu có mặt ở hầu hết các tỉnh phía Nam. Trao đổi với phóng viên, bà Huỳnh Thị Đa (chủ cơ sở sản xuất tôm khô Đa Giàu, TX. Giá Rai), chia sẻ: “Qua tham gia các hội chợ, các lần xúc tiến thương mại, chúng tôi có dịp làm quen với môi trường kinh doanh mới, nắm bắt được thị hiếu, khẩu vị của người tiêu dùng. Từ đó, đúc kết kinh nghiệm để phát triển sản phẩm của mình chất lượng hơn. Sản phẩm của cơ sở hiện được nhiều người tiêu dùng đón nhận, nhất là khu vực Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Hà Nội…”.
Để tăng sức hấp dẫn và phát huy hiệu quả việc bình chọn SPCNNTTB, thời gian tới, TTKC sẽ tiếp tục bám sát cơ sở, tìm hiểu thông tin về thiết bị công nghệ, sản phẩm, thị trường để tư vấn và cung cấp cho các cơ sở sản xuất. Hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực đồng bộ với chính sách hỗ trợ đất đai, ưu đãi đầu tư, tín dụng, khoa học - công nghệ... Đồng thời, hỗ trợ các SPCNNTTB tiếp cận với các chương trình khuyến công địa phương và quốc gia, giúp các SPCNNTTB có cơ hội vươn xa.
Có thể thấy, hoạt động bình chọn, tôn vinh trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu ngoài việc động viên, khích lệ những tổ chức, cá nhân, các cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm được bình chọn tích cực hơn trong việc duy trì sản xuất và phát triển sản phẩm chất lượng cao. Hoạt động này còn tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở công nghiệp nông thôn giới thiệu các sản phẩm và trao đổi với các đối tác, tạo ra mối liên kết thương mại nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.
Bảo Kiên