Thứ Hai, 25/11/2024 17:46:33 GMT+7
Lượt xem: 1584

Tin đăng lúc 14-04-2022

Bắc Ninh nỗ lực phát triển ngành logistics

Bắc Ninh là địa phương không có các lợi thế mang tính chiến lược như sân bay, cảng biển để phát triển logistics. Tuy nhiên, bằng cách tận dụng cảng sông, khai thác tốt ưu thế vị trí nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, Bắc Ninh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy dịch vụ logistics phát triển. Chỉ trong thời gian ngắn, nơi đây đã trở thành khu vực có số lượng kho bãi, dịch vụ vận chuyển thuộc tốp đầu cả nước.
Bắc Ninh nỗ lực phát triển ngành logistics
Bắc Ninh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, do vậy lượng hàng hóa luân chuyển, lưu kho bãi trong quá trình làm thủ tục xuất, nhập khẩu rất lớn

Bắc Ninh có 10 khu công nghiệp tập trung và 24 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, lượng hàng hóa luân chuyển, lưu kho bãi trong quá trình làm thủ tục xuất, nhập khẩu rất lớn.

 

Gắn kết doanh nghiệp và thị trường

 

Cuối tháng 8 năm 2021, Bộ Giao thông vận tải chính thức công bố mở Cảng cạn (ICD) Tân Cảng Quế Võ. Đây là ICD thứ 10 đã được công bố đưa vào hoạt động trên toàn quốc. ICD Tân Cảng Quế Võ là cảng nội địa nằm trên hạ lưu sông Đuống, giáp với Quốc lộ 18, gần các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… Cảng có quy mô 10 ha, với năm cầu tầu có thể đón cùng lúc năm sà lan trọng tải 160TEUs, công suất ước đạt 6 triệu tấn/năm.

 

Với việc tận dụng được cầu bến sà lan, ICD Tân Cảng-Quế Võ có thể cung cấp cho khách hàng giải pháp vận tải thủy bộ kết hợp, theo hướng logistics xanh được nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Samsung, Cannon, Vinasolar, Foxconn, Diana… lựa chọn. Trong tương lai, cảng cạn này sẽ tiếp tục được mở rộng lên hơn 30 ha, bổ sung các kho hàng, trung tâm phân phối trở thành trung tâm logistics của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.

 

Logistics ở Bắc Ninh thời gian qua đã có bước phát triển mạnh mẽ. Ngoài các cảng cạn ICD, Bắc Ninh còn có hàng chục kho ngoại quan, kho gom hàng lẻ (CFS) và hàng trăm doanh nghiệp, đại lý hải quan cung cấp dịch vụ logistics cho hoạt động xuất nhập khẩu. Hệ thống kho ngoại quan, kho CFS, ICD và đại lý thủ tục hải quan trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay, trong đó có nhiều kho ngoại quan có hệ thống quản lý hiện đại, diện tích lớn.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải cho biết, tuy mới xuất hiện ở Bắc Ninh nhưng logistics đã làm tốt vai trò gắn kết giữa nhà sản xuất với thị trường nhờ hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, ngành logistics đã phát huy được năng lực trong bảo đảm hoạt động giao nhận, kho bãi, lưu thông hàng hóa thông suốt. Điều này thể hiện rõ trong việc cung ứng hàng hóa, thực phẩm và thiết bị y tế trong điều kiện giãn cách xã hội, cũng như trong hoạt động thương mại điện tử, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng cũng như sản xuất.

 

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp chọn Bắc Ninh là nơi làm thủ tục hải quan và tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào dịch vụ logistics tại tỉnh. Bắc Ninh hiện có hơn 50 doanh nghiệp tham gia hoạt động ở lĩnh vực logistics. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty Tân Cảng tại Bắc Ninh (xã Châu Phong, huyện Quế Võ), Công ty cổ phần tập đoàn DABACO tại Tân Chi, huyện Tiên Du, Công ty cổ phần đầu tư Bắc Kỳ tại xã Tri Phương huyện Tiên Du và khu công nghiệp Tiên Sơn.

 

Ngoài ra, địa phương còn có 46 dự án do các chủ đầu tư là các thương nhân trong và ngoài nước đã và đang hoạt động kho vận, logistics tại các khu công nghiệp trên địa bàn (trong đó có 21 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư là 7.782,78 tỷ VNĐ, 25 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 373,92 triệu USD).

 

Thiết lập hệ thống logistics quy mô lớn

 

Thời gian qua, các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tuy có sự phát triển nhanh về số lượng, quy mô nhưng số lượng trung tâm logistics lớn cung cấp được dịch vụ 3PL (logistics thuê ngoài, dịch vụ logistics được bên thứ ba cung cấp, nhưng đơn lẻ) còn khá khiêm tốn. Đa số các doanh nghiệp chỉ cung cấp được các dịch vụ logistics 1PL (logistics tự cấp, chủ hàng tự cung cấp dịch vụ logistics bằng chính cơ sở vật chất của mình) và 2PL (logistics một phần, chủ hàng thuê một phần dịch vụ logistics).

 

Nói về nguyên nhân khiến cho ngành logistics chưa tạo được hệ thống quy mô lớn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải cho biết, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics ở Bắc Ninh đa phần là những doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Do vốn ít cho nên cơ cấu tổ chức doanh nghiệp cũng đơn giản, không thật sự chuyên sâu, không có các văn phòng đại diện ở nước ngoài. Điều này khiến nguồn thông tin bị hạn chế, các công việc ở nước ngoài đều phải thông qua các đại lý của các công ty đa quốc gia. Phần lớn các doanh nghiệp chưa ý thức được việc đầu tư vào quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng.

 

Trung tá Trần Văn Cường, Giám đốc ICD Tân Cảng Quế Võ, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, các cảng thủy nội ở Bắc Ninh đều nằm ngoài đê sông Đuống khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc xin thủ tục đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho việc điều hành hoạt động của cảng do vướng luật đê điều. Cảng Tân Cảng Quế Võ được kỳ vọng sẽ là trung tâm giao nhận hàng hóa container lớn nhất khu vực phía bắc (ngoài Hải Phòng), tuy nhiên kết nối đường bộ đến cảng hiện nay chủ yếu thông qua quốc lộ 18, đây là tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, nhân sự trong lĩnh vực logistics ở Bắc Ninh hiện nay nhìn chung còn thiếu và yếu, các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh rất khó khăn khi tuyển nhân sự chất lượng cao là người địa phương, làm việc tại địa phương.

 

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics phát triển, Bắc Ninh cần có quy hoạch tổng thể, chiến lược về phát triển các trung tâm kho bãi, logistics không những phục vụ cho nhu cầu của Bắc Ninh mà cần tính đến việc phục vụ một phần nhu cầu của các tỉnh thành lân cận. Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp cần gắn với quy hoạch cảng sông và quy hoạch hệ thống đường bộ kết nối nhằm tăng sức hút đối với nhà đầu tư, tăng lợi thế cạnh tranh trong thu hút và lựa chọn các dự án có chất lượng. Khẩn trương kiến nghị với cấp có thẩm quyền điều chỉnh các quy định của luật đê điều cho phù hợp với điều kiện thủy văn hiện nay. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc khơi thông điểm nghẽn trong đầu tư hạ tầng cảng sông.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải cho biết, với mục tiêu đưa logistics thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông mang tính hiện đại, đồng bộ thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics nói riêng trong việc chuyển đổi số, nâng cao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy mạnh cải cách và minh bạch hóa việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức; giảm thiểu tình trạng tiếp xúc trực tiếp, giảm thiểu phát sinh chi phí không chính thức, tiết kiệm thời gian.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang