Làng nghề ở Bắc Ninh có lịch sử tồn tại từ hàng trăm năm nay và được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, nhất là khi đất nước chuyển mình sang nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì các hoạt động làng nghề trên địa bàn đã có những bước đổi mới. Hiện nay, Bắc Ninh có 62 làng nghề, trong đó có 32 làng nghề truyền thống là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm CNNT. Nhiều làng nghề truyền thống như: Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, sản xuất sắt thép Đa Hội, giấy Phong Khê, gốm Phù Lãng, đúc đồng Đại Bái, tre trúc Xuân Lai…, đã tạo ra hàng trăm nghìn công ăn việc làm ổn định cho nhân dân trong tỉnh với mức thu nhập cao gấp 5 – 6 lần so với làm việc thuần nông. Qua đó, số lượng người thoát nghèo và khá giả tại các làng nghề ngày càng tăng (100% số hộ đều có ti-vi, xe máy,…). Ngoài ra, làng nghề còn là nơi cung cấp nguồn hàng xuất khẩu quan trọng của tỉnh với kim ngạch hàng nghìn tỷ đồng/năm.
Để các làng nghề tại Bắc Ninh phát triển như ngày hôm nay thì phải kể đến một trong những chính sách nổi bật của Bắc Ninh là: Coi khuyến khích hỗ trợ xây dựng và phát triển làng nghề, ngành nghề là khâu đột phá trên diện rộng nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa CNNT. Trong đó, có việc khuyến khích phát triển các cụm công nghiệp làng nghề và đa nghề, quy hoạch lại các cơ sở sản xuất nằm lẫn trong khu vực dân cư và có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp vào cụm công nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, kết hợp yếu tố cổ truyền với hiện đại. Đặc biệt, những năm qua, với chức năng và nhiệm vụ của mình, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Ninh thuộc Sở Công Thương Bắc Ninh đã tích cực đào tạo, nâng cao tay nghề cho hàng vạn lao động trong các ngành nghề: Mộc mỹ nghệ, mây tre đan, gốm, may công nghiệp… để phục vụ cho chương trình bảo tồn và nhân cấy nghề tại các địa phương trong tỉnh. Công tác đào tạo nghề được thực hiện dựa trên cơ sở liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp. Do vậy, chất lượng đào tạo cho người lao động luôn được đảm bảo và tỷ lệ người lao động tìm được việc làm rất cao. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công đã tạo điều kiện về kinh phí, cải tiến kỹ thuật sản xuất, quảng bá thông tin và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm của các làng nghề.
Trong những năm tới, để giữ gìn và phát huy nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh và nâng cao thu nhập cho người lao động tại các vùng nông thôn, tỉnh Bắc Ninh chủ trương phát triển làng nghề có thế mạnh và tiềm năng; Tập trung phát triển thị trường để phát triển cả về số lượng và quy mô các làng nghề; Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và bồi dưỡng trình độ quản lý cho chủ các cơ sở làng nghề; Khuyến khích áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất tại các làng nghề để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Anh Tuấn