Tọa đàm nhằm kết nối lãnh đạo các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham quan và làm việc với lãnh đạo địa phương; trao đổi về xu hướng phát triển các khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh; chia sẻ kinh nghiệm, khuyến nghị chính sách để Bắc Ninh sớm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và nghiên cứu, thiết kế (R&D) hàng đầu trong khu vực.
Ông Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau hơn 26 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh nông nghiệp, xuất phát điểm thấp, Bắc Ninh đã tạo ra những bước phát triển vượt bậc, toàn diện trên các lĩnh vực, đến nay đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của cả nước. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh vượt kế hoạch đề ra, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,39% so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người đạt 6.696 USD, đứng thứ 3 cả nước. Thu ngân sách nhà nước của Bắc Ninh năm 2022 ước đạt 1,3 tỷ USD, đứng thứ 14 cả nước. Xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước.
Tỉnh Bắc Ninh đã thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh đứng thứ 7 cả nước với 1.908 dự án, đạt 24,17 tỷ USD đến từ 39 quốc gia, vùng lãnh thổ, đầu tư vào 16 ngành lĩnh vực, trong đó chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất thông minh, công nghiệp công nghệ số, công nghệ cao (phần lớn là công nghiệp điện tử) với nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư thương hiệu quốc tế như: các dự án của Tập đoàn Samsung, Amkor, Canon, Foxconn...
Trong bối cảnh đó, Bắc Ninh định hướng mục tiêu là cứ điểm của sản xuất thông minh, thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, điện tử bán dẫn, phấn đấu Bắc Ninh trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Vì vậy, Bắc Ninh mong muốn nhận được chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, trong nước, các khuyến nghị chính sách để Bắc Ninh sớm trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, sản xuất thông minh, công nghệ cao và là trung tâm nghiên cứu, thiết kế (R&D) hàng đầu khu vực.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay: Nghị quyết 29-NQ/TW 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục các chủ trương trước về việc xác định ngành công nghiệp công nghệ số là một trong sáu ngành công nghiệp nền tảng và trong thời gian tới cần phải thể chế hóa, cụ thể hóa các chính sách để thúc đẩy phát triển lĩnh vực về công nghiệp công nghệ số cũng như các lĩnh vực đã đặt ra.
Tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư thương hiệu quốc tế như: Các dự án của Tập đoàn Samsung, Amkor, Canon, Foxconn...
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cũng cho biết, theo đề nghị của các hiệp hội, các nhà đầu tư, đại diện một số tổ chức quốc tế, mong muốn được làm việc trao đổi thực tiễn với địa phương và Ban Kinh tế Trung ương đã lựa chọn tỉnh Bắc Ninh. Bởi đây là tỉnh có định hướng và tiên phong trong phát triển mạnh về lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư về lĩnh vực công nghiệp sản xuất thông minh. Qua đó mong muốn trao đổi những kinh nghiệm, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai một số lĩnh vực, ví dụ công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn, hoặc vấn đề đào tạo nhân lực để phát triển lĩnh vực này. Nhà đầu tư cũng mong muốn lắng nghe các vấn đề về quy hoạch, chính sách thu hút đầu tư trong các lĩnh vực của Bắc Ninh, hay định hướng phát triển các khu công nghiệp sinh thái thông minh gắn với vấn đề phát triển đô thị.
Tại tọa đàm, tỉnh Bắc Ninh đã giới thiệu với các đại biểu tổng quan về Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số và sản xuất thông minh. Trên cơ sở đó, Ban tổ chức mời các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện để hiện thực hóa tầm nhìn đưa Bắc Ninh trở thành thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.
Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, cho rằng, với nền tảng là thủ phủ sản xuất công nghiệp điện tử, tỉnh Bắc Ninh có thế mạnh về sản xuất và đóng gói. Ông Thi thông tin thêm, hiện cả nước có khoảng 50 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khoảng 5.000 kỹ sư đang làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, tập trung ở 3 thành phố lớn là: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và TP. Đà Nẵng, trong đó TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 80% cả về số lượng doanh nghiệp và lao động. “Chúng ta có quy hoạch không gian phát triển hợp lý, gắn kết giữa TP Hồ Chí Minh và Bắc Ninh thì sẽ từng bước khép kín chuỗi giá trị”, ông Thi nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho hay, để hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong tương lai, thời gian tới, địa phương sẽ quan tâm đầu tư nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp. Kịp thời điều chỉnh bổ sung quy hoạch các KCN, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình dự án trọng điểm, có tính chất liên kết phát triển vùng, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư lớn có thương hiệu toàn cầu. Đồng thời, lựa chọn những nhà đầu tư hạ tầng KCN có kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp cao; chuẩn bị đủ quỹ đất sạch để đón nhận dòng vốn đầu tư mới theo hướng sản xuất thông minh, xanh sạch.
Minh Phương