Lễ khai mạc Festival "Về miền Quan họ-2023" mở đầu bằng màn khai từ "Khách đến chơi nhà" trong tiếng trống hội ngày xuân tưng bừng, hoành tráng. Tiết mục Dân ca Quan họ mời nước mời trầu làm nổi bật tinh thần hiếu khách, trọng nghĩa, trọng tình của người Bắc Ninh- Kinh Bắc mừng vui được đón các đại biểu, khách quý, đại diện chủ thể của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, cùng đông đảo du khách trong nước và quốc tế về tham dự Festival.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang cho biết Festival "Về miền Quan họ 2023" là ngày hội văn hóa lớn với 30 hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc diễn ra trên địa bàn tỉnh, nơi kết nối những tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc đại diện cho các vùng miền trên cả nước về hội tụ và tỏa sáng trên vùng đất Bắc Ninh ngàn năm văn hiến.
Tổ chức Festival "Về miền Quan họ", Bắc Ninh mong muốn đưa sự kiện này trở thành hoạt động văn hoá du lịch quy mô lớn có tính chất thường niên, hướng tới xây dựng sản phẩm văn hóa, thương hiệu văn hóa du lịch Bắc Ninh trên nền tảng các giá trị văn hóa của dân tộc; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, tạo cơ hội để kết nối di sản văn hóa với các địa phương trong cả nước, tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó, hợp tác và phát triển.
Các đại biểu tham dự lễ khai mạc Festival "Về miền Quan họ-2023"
Sau phần phát biểu khai mạc Festival, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trao Quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia đối với 3 hiện vật của tỉnh Bắc Ninh vừa được công nhận đợt 11, năm 2022 gồm: Tĩnh Lự thiền tự bia (xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình); "Tượng Quan Âm Nam Hải" hiện lưu giữ ở chùa Cung Kiệm (xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ) và "Thạp đồng Đông Sơn" đang lưu giữ tại Bảo tàng tư nhân Hoàng gia Nam Hồng (TP. Từ Sơn). Thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn vinh dự đón nhận Quyết định.
Ngay sau phần lễ là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề "Miền di sản, tinh hoa và bản sắc". Chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng với sự tham gia biểu diễn của gần 600 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đến từ các đoàn nghệ thuật của Trung ương, của tỉnh Bắc Ninh và 6 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền: Hát Xoan Phú Thọ, Ví Giặm Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh), Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên (Đắk Lắk), Đờn ca tài tử Nam Bộ (Bạc Liêu).
Chương trình nghệ thuật với sự tham gia biểu diễn của gần 600 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đến từ các đoàn nghệ thuật của Trung ương, của tỉnh Bắc Ninh và 6 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền
Chương trình được bố cục 3 chương với nhiều tiết mục đặc sắc.
Chương 1 có tên "Không gian văn hóa Quan họ" với những làn điệu Quan họ lời cổ và lời mới: "Gửi về Quan họ", "Tứ hải giao tình", "Liện sai", "Ngồi tựa mạn thuyền", hòa tấu violin, sáo trúc "Những cô gái Quan họ".
Chương 2 là "Bốn phương hội tụ" vẽ lên bức tranh nghệ thuật phong phú, đa dạng sắc màu di sản văn hóa, thể hiện qua các tiết mục hấp dẫn: "Bắc Ninh Kinh Bắc", "Bắc Ninh-Hà Tĩnh cùng chung câu hát nghĩa tình", "Hương sắc Bạc Liêu", hòa tấu chiêng "Âm vang đại ngàn", "Nghe câu Quan họ trên cao nguyên", "Câu hát hội xoan", "Bài chòi Quảng Nam kết nối miền di sản", "Lục cúng hoa đăng", "Guốc mộc".
Chương 3 là "Bắc Ninh tỏa sáng miền văn hiến" vang câu hát "Giã bạn" với tình cảm bịn rịn, lưu luyến "người ơi người ở đừng về" qua các ca khúc "Yêu một Bắc Ninh", "Bắc Ninh tỏa sáng miền văn hiến".
Theo báo Chính phủ