Đường dây nóng này nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả trên thị trường ngày càng phức tạp như hiện nay.
Các thông tin được Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tiếp nhận, xứ lý bao gồm: Thông tin tố giác về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; thông tin tố giác cá nhân, đơn vị chức năng không thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, có hành vi tiêu cực, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp phát hiện, bắt giữ, xử lý 129.575 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và truy thu thuế ước 6.572 tỷ đồng; khởi tố 844/898 đối tượng.
Điển hình là vụ triệt phá đường dây sản xuất và kinh doanh trái phép có quy mô lớn của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hà Linh tại tỉnh Long An; vụ việc của Công ty Thuận Phong tỉnh Đồng Nai; vụ giả mạo xuất xứ hàng hóa các thiết bị nhà bếp của Công ty Romal Việt Nam; chuyển các cơ quan, đơn vị chức năng TP.HCM xử lý theo thẩm quyền đối với 24 vụ việc vi phạm tại các kho hàng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; vụ bắt giữ hơn 20 tấn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại TP.HCM.
Đại diện của Ban Chỉ đạo 389 TP.HCM cho biết các thành viên Ban Chỉ đạo 389 sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Nhằm đẩy mạnh kế hoạch phối hợp giữa các ngành chức năng thuộc các địa phương, nâng cao hiệu quả trong công tác, TP.HCM sẽ tổ chức lễ ký kết quy chế phối hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa Ban Chỉ đạo 389 của 7 tỉnh thành, gồm: TP.HCM, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Long An trong thời gian tới.