Thứ Sáu, 22/11/2024 00:29:25 GMT+7
Lượt xem: 4863

Tin đăng lúc 21-01-2017

Ban hành quyết định về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025

Ngày 17/01/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025, tạo tiền đề và định hướng phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam.
Ban hành quyết định về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025
Lĩnh vực linh kiện phụ tùng là một trong ba lĩnh vực được tập trung phát triển.

Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, nhiều lĩnh vực công nghiệp quan trọng của Việt Nam chưa được coi trọng, hoặc đầu tư dàn trải, manh mún, tự phát dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp bền vững thì không có con đường nào khác, phải tập trung phát triển CNHT, bởi đây là cơ sở để phát triển, tăng trưởng một ngành công nghiệp bền vững.

 

Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, năng lực và công nghệ sản xuất của phần lớn các doanh nghiệp CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đến nay, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm CNHT. Các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và vật liệu đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa tiếp cận và đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng đối với các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ khá. Khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và khả năng sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất nội địa vẫn còn khá lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cung ứng được sản phẩm CNHT thì cũng mới chỉ quan tâm mở rộng quy mô, chứ chưa quan tâm nhiều đến đầu tư chiều sâu công nghệ và thiết bị.

 

Trên thực tế, các doanh nghiệp CNHT muốn phát triển và tham gia được vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia phải đáp ứng được 3 yếu tố, đó là chất lượng ổn định, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số ít các doanh nghiệp trong nước đáp ứng được cả ba yếu tố trên.

 

Việc Thủ tướng Chính phủ thông qua Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025, sẽ tạo tiền đề và định hướng phát triển cho ngành CNHT của Việt Nam. Qua đó, tạo công ăn việc làm, tăng tăng thu nhập cho người dân; Giúp giảm giá thành một số mặt hàng công nghiệp tiêu dùng như: ô tô, dệt may, gia giày, điện tử… do các doanh nghiệp lắp ráp sử dụng hàng trong nước. Đồng thời, một số dịch vụ đi kèm như vận chuyển, logistic,… cũng sẽ giảm giá thành do việc giảm giá thành đầu tư. Bản thân các doanh nghiệp CNHT Việt cũng có cơ hội áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, phù hợp với yêu cầu quốc tế; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.

 

Theo quyết định của Thủ tướng, Chương trình được thực hiện theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ  năm 2016 đến năm 2020; Giai đoạn 2 từ năm 2021 đến năm 2025.

 

Trong đó, mục tiêu chung đến năm 2020, sản phẩm CNHT đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa. Đến năm 2025, sản phẩm CNHT đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa. Còn giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, tập trung phát triển CNHT thuộc ba lĩnh vực chủ yếu là lĩnh vực linh kiện phụ tùng; Dệt may – da giày; Công nghệ cao. Cụ thể:

 

Đối với lĩnh vực linh kiện phụ tùng: Sẽ tập trung phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 cung ứng được 35% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Đến năm 2025, cung ứng được 55% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.

 

Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày: Sẽ tập trung phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75-80%.

 

Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao: Sẽ tập trung phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.

 

Theo đánh giá của Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương, khi Chương trình đi vào triển khai thực hiện, cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển CNHT, Việt Nam sẽ từng bước đạt được các mục tiêu đề ra về phát triển CNHT trong một số ngành như ô tô; điện tử - tin học; dệt may – da giày./.

NQ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang