Trên thị phần kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam hiện nay, với 58% thuộc về khối ngoại (có tổng doanh số đã đạt đến 45.500 tỷ đồng) vẫn là cuộc phân chia chủ yếu của các đại gia bán lẻ giữa Nhật Bản với Thái Lan và Hàn Quốc.
Bên cạnh sự nổi lên của các doanh nghiệp (DN) Thái Lan tại thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua kênh mua bán sáp nhập (M&A), lâu nay giới nhà đầu tư Nhật vẫn dành sự quan tâm lớn trong lĩnh vực bán lẻ và các lĩnh vực có liên quan tới người tiêu dùng tại Việt Nam từ kênh M&A.
Làn sóng mở rộng mới?
Điển hình, tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật cách đây hơn 2 năm đã đồng thời mua cổ phần tại hai nhà bán lẻ Việt Nam là Fivimart và Citimart, dù họ đang đầu tư riêng những siêu thị của mình ở cả nước với 4 trung tâm mua sắm và 54 siêu thị. Theo kế hoạch, đến năm 2020, Aeon sẽ mở 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.
Ngoài Aeon, sự xuất hiện gần đây của các nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản như Family Mart, Ministop, Miniso, Letee Mart, Takashimaya… và sắp tới có thể là thương hiệu cửa hàng bán lẻ lớn nhất toàn cầu của Nhật là 7-Eleven được cho là cũng sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Chưa kể, ngoài mảng bán lẻ, lĩnh vực ẩm thực Nhật cũng phát triển nhanh chóng, riêng tại Tp.HCM hiện đã có đến 500 nhà hàng Nhật.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Akiihiko Maeda, Tổng giám đốc của hệ thống bán lẻ Ministop của Nhật Bản tại Việt Nam, cho biết trên thực tế, khi đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam, để hoàn vốn và có lợi nhuận, phải tốn thời gian 5 – 6 năm.
Như chia sẻ của ông Akiihiko, mỗi năm Ministop có thể sẽ tăng lên khoảng 80 – 100 cửa hàng ở Việt Nam và phải đạt đến con số 300 cửa hàng thì mới mong có lợi nhuận. Việc nhượng quyền kinh doanh (franchise) có thể giúp tăng nhanh số cửa hàng này. Riêng hiện tại, Ministop đã có 80 cửa hàng tại Việt Nam và dự kiến năm 2017 sẽ đạt 160 cửa hàng bán lẻ.
Việc mở rộng hệ thống hoạt động của tập đoàn bán lẻ Nhật tại Việt Nam trong thời gian cũng là một lý do để nhiều DN Nhật trong mảng xuất khẩu các sản phẩm lương thực, thực phẩm (vốn đã mang lại cho Nhật Bản kim ngạch xuất khẩu 7,5 tỷ USD và dự báo sẽ tăng 30% trong 3 năm tới) đầu tư vào Việt Nam nhằm hợp tác kinh doanh với các tập đoàn bán lẻ Nhật trong quá trình mở rộng kinh doanh.
Cuộc đua không cân sức
Hồi đầu năm nay, Bộ Kinh tế, Thương mại và công nghiệp Nhật Bản đã thành lập “Hội đồng hợp tác giữa Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản – Jetro và cửa hàng tiện lợi” nhằm thúc đẩy thương mại cho các mặt hàng thực phẩm nông lâm thủy sản Nhật Bản ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Để cụ thể hoá chương trình này, vào cuối tuần qua (19/11), phía Jetro tổ chức sự kiện “Japan Fair” gồm có 78 sản phẩm của 32 công ty được tuyển chọn theo hình thức ứng tuyển trên 24 tỉnh/thành phố tại Nhật Bản sẽ được bán tại toàn bộ hệ thống của Family Mart, Ministop và Aeon ở Việt Nam (khoảng 200 cửa hàng). Trong đó, có 73 sản phẩm là thực phẩm và 53 sản phẩm lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Việt Nam.
Ông Takimoto Kogji, Trưởng đại diện Jetro tại Tp.HCM, cho biết với mục đích bán hàng lâu dài, Jetro công bố tuyển chọn hai công ty cửa hàng tiện lợi, lựa chọn các mặt hàng phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Giá bán lẻ sẽ dựa trên cân nhắc các chi phí phân phối thực tế.
Sản phẩm có giá phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam, chưa từng bán tại thị trường Việt (các sản phẩm liên quan đến gạo…) và là sản phẩm có nhu cầu cao (các sản phẩm liên quan đến matcha), có nguồn cung thấp, kỳ vọng về nhu cầu tại Việt Nam (kẹo, kem…).
Nhiều DN thực phẩm Nhật chia sẻ việc họ đang muốn đẩy mạnh việc đưa thực phẩm, hàng nông lâm thuỷ sản vào Việt Nam vì đây là thị trường có quy mô dân số đến 90 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu mua sắm nhất là thực phẩm sạch đang tăng lên.
Theo đánh giá, lợi thế của các nhà bán lẻ Nhật tại Việt Nam được cho là tựu trung ở quy mô lớn với sức mạnh về đàm phán mua hàng, kinh nghiệm quản trị điều hành và sức mạnh về mặt tài chính.
Nhìn từ sự bành trướng của các nhà bán lẻ Nhật Bản nói riêng và khối ngoại nói chung, giới chuyên gia nhận định đây là cuộc cạnh tranh không cân sức với các nhà bán lẻ Việt Nam. Bởi lẽ khối nội có giới hạn về năng lực tài chính, thiếu tính chuyên nghiệp trong hoạt động, hạn chế về sức mua và các mối quan hệ toàn cầu.
Riêng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống công nghệ thông tin và logistic còn yếu và thiếu, bị cạnh tranh quyết liệt trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nói như ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM và nguyên là Chủ tịch HĐQT Saigon Co.opmart, các nhà bán lẻ Việt Nam thường không đủ điều kiện và khả năng thực thi những chiến lược mang tính dài hạn, đặc biệt là tính liên kết không cao, tầm nhìn hạn chế.
Nguồn Thời báo Kinh doanh