Ngày 21/6 – Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam những lời nhắc nhở đó một lần nữa lại “vang lên”. Nhiều người nghĩ vấn đề đó là “chuyện xưa như trái đất”, nhưng nó luôn là vấn đề thời sự trong thời buổi đất nước “chuyển mình” vì hội nhập, phát triển.
Điều đó cũng có nghĩa, Báo chí luôn là một “kênh” phản ánh, phản biện hữu ích, là một “nguồn sống” quan trọng vì sự tiến bộ xã hội.
Từ niềm đam mê…
Đã có không ít người cho rằng, chỉ cần một công việc để kiếm tiền là đủ, còn đam mê hay không thì không cần thiết. Thực ra không phải như vậy! Chúng ta có thể có nhiều niềm đam mê để theo đuổi, việc cần làm là xác định được niềm đam mê nào là thực sự, đam mê nào bạn có đủ khả năng để thực hiện nó.
Ví như: Tuy đam mê ca hát nhưng chất giọng không hay, thì chúng ta không nên theo đuổi nghiệp ca sĩ, mà hãy để nó là một niềm đam mê thứ hai giúp cuộc sống của bạn thêm phong phú. Hoặc có người đam mê đọc báo nhưng không đủ “vốn” để viết một bài báo, làm báo, vậy thì hãy tiếp niềm đam mê đọc báo như món ăn tinh thần để hiểu thêm nhiều vấn đề trong xã hội hơn.
Sự khó khăn của nghề thì trăm bề, sao kể hết được. Ấy vậy mà chữ đam mê cứ cuốn lấy ngòi bút của họ. Từ chung niềm đam mê, họ đã bén duyên với nghề một cách tự nguyện. Để rồi, chính sự đấu tranh của đội ngũ nhà báo (bao gồm chuyên nghiệp và không chuyên) góp phần lớn lao cho quyền lợi bình đẳng cho mỗi cá nhân, tổ chức nói riêng và sự nghiệp đổi mới nước nhà nói chung.
Đến vai trò của “ngòi bút”…
Báo chí được Đảng và Nhà nước ta xác định là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội. Là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.
Điều đó cho thấy, vấn đề vai trò, chức năng và nhiệm vụ của báo chí cách mạng, trách nhiệm và nghĩa vụ của người làm báo luôn là vấn đề thời sự nóng hổi. Đó không chỉ là vấn đề của hôm qua mà còn là vấn đề của hôm nay và ngày mai.
Một trong những sứ mệnh đó là: Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cổ vũ các thành tựu của đổi mới, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội. Phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, góp phần bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng và chế độ..v..v.
Thực tế, “mỗi nhà báo cũng là một chiến sĩ cách mạng” như lời Người từng nói. Trong thời gian qua báo chí giúp ích rất nhiều cho công cuộc đổi mới, đặc biệt là công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, đổi mới đất nước.
Nói vậy bởi vì hầu hết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn thời gian qua hầu hết đều xảy ra ở các ngành, các địa phương, nhưng lại không phải do người của ngành hoặc các cơ quan địa phương đó phát hiện, mà là do quần chúng nhân dân và báo chí phát hiện.
Ví như: Sau khi báo chí phản ánh về việc sở hữu khối tài sản “khủng” của một đồng chí lãnh đạo Bộ Công thương và gia đình, Tổng Bí thư đã yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ… Rồi hàng loạt vụ bổ nhiệm người nhà, dư thừa cấp phó không đúng quy trình xảy ra ở nhiều địa phương, nhiều cấp… Cũng như nhiều vấn đề xã hội khác nhức nhối như chuyện thực phẩm bẩn, “cát tặc”, môi trường..v..v
Người đã chỉ rõ: “Tất cả những người làm báo là người viết, người in, người sửa bài, người phát hành. Nên một tòa báo từ người sáng tạo ra tác phẩm báo chí đến chủ nhiệm, chủ bút phải có trách nhiệm nói lên tiếng nói chính nghĩa, phục vụ nhân dân”.
Như vậy, báo chí là một nhu cầu quan trọng trong tiến trình tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Là “kênh” thể hiện ý chí và nguyện vọng một cách công khai thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng của mỗi con người.
Do đó, ngòi bút của mỗi một nhà báo chính là sự đấu tranh vì sự tiến bộ của xã hội.
Theo Enternews