Mối quan hệ tương hỗ 2 chiều
Trong công cuộc phát triển của nền kinh tế, sự song hành của báo chí và DN luôn nhận được nhiều sự quan tâm. Đây là mối quan hệ hợp tác lành mạnh, khách quan và ngày càng chia sẻ. Báo chí vừa là kênh cung cấp thông tin, chuyển tải cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa là công cụ hữu hiệu để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho DN. Đồng thời, DN, doanh nhân cũng là cảm hứng, là nguồn đề tài vô cùng phong phú cho báo chí. Đó là mối quan hệ tương hỗ hai chiều ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.
Tại Diễn đàn DN và báo chí 2019 “Chia sẻ cơ hội - Hợp tác thành công trong bối cảnh mới”, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Báo chí ngày nay đã đi sâu vào đời sống DN, doanh nhân. Báo chí với DN còn là quan hệ cộng sinh, báo chí tiên phong trong lĩnh vực văn hóa, DN tiên phong trên mặt trận kinh tế. Chính vì vậy, việc báo chí tập trung công sức, bài vở và tâm huyết vào DN là điều dễ hiểu và ngược lại. Đại diện cho cộng đồng DN, tôi cảm ơn nhiều cơ quan báo chí đã xả thân bảo vệ DN, có những nhà báo đã được coi là hiệp sĩ. Không chỉ bảo vệ DN, báo chí còn luôn hiến kế, đồng hành cùng DN, thúc đẩy cải cách thể chế…”.
Đồng quan điểm, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, báo chí đang góp phần quan trọng vào tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, trở thành cầu nối giữa nhà nước và DN, giữa DN với cộng đồng dân cư. Ngược lại, DN doanh nhân là đề tài hấp dẫn đối với báo chí. Hoạt động của DN doanh nhân là nguồn lực về tư liệu sống, là nguồn lực tài chính để báo chí hoạt động tốt. Trong số 25 nghìn hội viên của Hội Nhà báo thì số lượng nhà báo trong lĩnh vực kinh tế là rất lớn. Đây là lực lượng khích lệ tinh thần cống hiến và đổi mới sáng tạo cũng như khởi nghiệp của giới DN Việt Nam để cùng chia sẻ hợp tác, nắm bắt cơ hội phát triển thành công.
Có thể thấy, đa số các hiệp hội, DN đều ghi nhận sự đóng góp của báo chí trong quá trình phát triển. Ông Nguyễn Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội DN Thái Bình cho rằng, với gần 40 năm làm doanh nhân bản thân tôi thấy báo chí đã góp ý tham gia vào các dự luật, đấu tranh với những việc làm chưa tốt để tạo dựng môi trường tốt hơn cho DN. Đồng thời, báo chí đã tôn vinh và làm thương hiệu cho DN rất tốt, không chỉ thông tin tuyên truyền mà còn tư vấn hỗ trợ cho DN. Chúng ta có hơn 700 nghìn DN nhưng phần lớn lại là DNNVV hoặc siêu nhỏ, những kiến thức về quản trị còn chưa hoàn thiện tuyệt đối thì chính báo chí đã cung cấp thông tin rất sát thực đồng thời đưa ra những dự báo cho DN tham khảo.
Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”
Trên thực tế, báo chí và DN mặc dù đang cùng song hành nhưng vẫn có mặt e dè, chưa thực sự cởi mở với nhau. Không ít các chuyên gia đánh giá rằng mối quan hệ này đâu đó vẫn còn có sự lạnh nhạt và đôi khi là đối nghịch. Nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết, bản thân khi tham gia giao ban báo chí đã nhận được nhiều phản hồi từ các DN, doanh nhân về những thông tin thiếu xác đáng, có thể gây hậu quả khôn lường cho DN.
Theo đại diện nhiều DN, có tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” trong mối quan hệ giữa báo chí và DN thời gian qua là do một số bộ phận nhà báo đã lạm quyền và chức năng nghề nghiệp để làm khó DN. Đã có nhiều lúc, DN rơi vào khủng hoảng truyền thông và bị đẩy vào những khó khăn… Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều DN có nhận thức chưa đúng về mối quan hệ giữa báo chí và DN, thường né tránh, không hợp tác với báo chí để cung cấp thông tin một cách chủ động…
TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực từ báo chí thì cũng có không ít trường hợp hình ảnh của DN bị phản ánh sai lệch. Ông cũng hy vọng Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến 2025 tới đây sẽ góp phần ngăn tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”, để báo chí ngày càng trong sạch và vững mạnh… Đồng thời báo chí và DN sẽ cùng nhau hiến kế để có thể phát triển cộng đồng DN Việt Nam mạnh mẽ và bền vững.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các thông tin trên báo chí rất cần thiết đối với các DN. Câu hỏi được nhiều chuyên gia và DN quan tâm hiện nay là báo chí nên làm gì để giúp cộng đồng DN phát triển? Đây thực sự là một trong những thách thức rất lớn đối với việc phát triển báo chí hiện nay. Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế (VIAC), để báo chí phát huy vai trò là cầu nối, là diễn đàn của các DN trong quá trình phát triển thì rất cần có những cải cách mới phù hợp thực tiễn. Theo đó, báo chí cần phải sáng hơn, sạch hơn, sắc hơn các DN hướng đến, tìm kiếm và nhận được thông tin một cách chính xác nhất, kịp thời nhất. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, thì báo chí phải đáng tin cậy hơn để tạo niềm tin cho độc giả.
Chia sẻ về sự cần thiết của báo chí, ông Nguyễn Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội DN Thái Bình cũng mong muốn các nhà báo chia sẻ và có thể tư vấn sâu sát hơn với DN. Đồng thời, tích cực đưa những thông tin phản biện chính sách để giúp tạo lập một môi trường tốt hơn cho DN…
Có thể nói, tầm quan trọng của mối quan hệ giữa báo chí và DN trong những năm qua đã được khẳng định nhưng vẫn luôn tồn tại những khúc mắc. Để giải quyết, cần những nỗ lực từ cả hai phía. Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân cho rằng, về phía DN cần thực sự hiểu về mối quan hệ với báo chí để có những chia sẻ, cởi mở. Trước hết người đứng đầu DN phải trang bị cho mình kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và cung cấp thông tin cho báo chí. Đồng thời DN cần có bộ phận truyền thông chuyên nghiệp. Báo chí phải luôn thực hiện đúng và đầy đủ các chức năng, vai trò của mình…
Theo thoibaonganhang.vn