Ý thức được điều này, một số làng nghề trên cả nước đã hình thành những bảo tàng làng nghề với hình thức khác nhau. Nổi bật phải kể đến bảo tàng gốm tư nhân của một số nghệ nhân làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá (Hoài Ðức, Hà Nội)… Đa số các bảo tàng này đã tạo ra một không gian mới thu hút du khách khi đến tham quan làng nghề. Thông qua bảo tàng, những câu chuyện về nghề thủ công truyền thống và làng nghề được diễn giải, minh họa. Đồng thời, hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm làng nghề cũng sẽ dễ dàng hơn. Ðây vừa là hình thức góp phần bảo tồn loại hình di sản văn hóa, vừa gián tiếp hỗ trợ các làng nghề quảng bá tới du khách khi tham quan bảo tàng.
Tuy nhiên, so với số lượng khoảng 5.000 làng nghề và làng có nghề, trong đó, hơn 1.700 làng nghề truyền thống đã được công nhận trên cả nước, số lượng bảo tàng làng nghề còn quá ít. Mặt khác, phần lớn các bảo tàng làng nghề mới chỉ được tổ chức ở quy mô rất nhỏ, hoạt động manh mún, cách bố trí, sắp xếp hiện vật chưa khoa học. Do vậy, chưa tạo được ấn tượng sâu sắc để giữ chân du khách. Bên cạnh đó, nguồn thu từ các hoạt động của bảo tàng làng nghề không nhiều; thậm chí, một số nơi còn mở cửa miễn phí cho khách tham quan tự do.
Thông tin tại Hội thảo Phát triển bảo tàng tư nhân và ứng dụng mỹ thuật sản phẩm làng nghề trong thời đại Công nghệ 4.0 cho thấy tầm quan trọng, sự cần thiết của việc phát triển bảo tàng làng nghề. Bước đầu, muốn hình thành bảo tàng làng nghề và thúc đẩy hoạt động hiệu quả, các làng nghề cần xây dựng được hệ thống sản phẩm hấp dẫn, độc đáo, mang nét đặc trưng riêng của địa phương. Song song với đó, bảo tàng làng nghề cần được tổ chức thiết kế khoa học gắn với các sản phẩm nghề truyền thống, kỹ năng sản xuất, quá trình phát triển của làng nghề. Bảo tàng làng nghề phải là nơi lưu giữ những hiện vật, tư liệu đủ khả năng lưu giữ các giá trị tinh hoa văn hóa của làng nghề, có sức ảnh hưởng tới người tham quan. Ở đó, các tư liệu, hiện vật, sản phẩm làng nghề không trưng bày theo kiểu đóng khung một chỗ mà cần gắn liền những câu chuyện văn hóa, tái hiện lịch sử làng nghề với những hỗ trợ về công nghệ. Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá là một ví dụ diển hình cho việc cộng đồng tự xây dựng bảo tàng của thôn để tôn vinh một nghề truyền thống. Mặc dù được xây dựng ở cấp thôn nhưng có hình thức, nội dung và bố cục chuyên nghiệp; xứng đáng là một mẫu hình tham khảo xây dựng bảo tàng làng nghề.
Các làng nghề là nơi sản sinh và lưu giữ những sản phẩm thủ công truyền thống, hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc được bồi đắp qua thời gian. Do đó, thông qua bảo tàng, các câu chuyện về nghề thủ công truyền thống sẽ dễ dàng tiếp cận tới nhiều đối tượng khác nhau; đồng thời, gián tiếp hỗ trợ làng nghề trong việc quảng bá đến khách du lịch, thúc đẩy hoạt động tiêu thụ sản phẩm khi tham quan tại bảo tàng.
Bà Lê Thị Minh Hằng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển bán hàng và Chăm sóc khách hàng: |
Theo Báo Công Thương