Thứ Năm, 21/11/2024 23:18:58 GMT+7
Lượt xem: 4464

Tin đăng lúc 15-04-2016

Bấp bênh vườn cây ăn trái

Huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, được xem là trung tâm sản xuất các loại cây ăn trái với hơn 15.500 ha đất vườn, lớn nhất so với các tỉnh ở vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, nghiệp làm vườn của những người dân nơi đây vẫn long đong.
Bấp bênh vườn cây ăn trái
Chợ nổi Cái Bè, tỉnh Tiền Giang

\Mới sáng sớm, nhưng khu vực ven cầu Cái Bè đã nhộn nhịp, với những chiếc xe tải đậu san sát, những “cửu vạn” thoăn thoắt chuyển hàng vào giỏ, vào cần xé… chất lên xe. Thôi thì đủ loại trái cây, nào là xoài cát Hòa Lộc, nào là mận đào sắc đỏ tươi rói, cam sành, bưởi… được bố trí theo nhóm riêng biệt.

 

“Tui làm nghề vựa trái cây này đã gần 15 năm, còn bến trái cây Cái Bè thì đã có từ lâu lắm rồi”- Chủ một vựa trái cây ở ven sông cho biết, dù đã gần tết Nguyên đán nhưng không phải là mùa cao điểm trái cây nên gần 20 vựa ở đây chỉ cung cấp cho thị trường Hà Nội, Trung Quốc… chừng 100-200 tấn/ngày. “Độ tháng 2 tới tháng 6 âm lịch mới là mùa cao điểm. Khi đó, mỗi ngày có trên 50 chiếc xe tải vào, ra cung cấp cho các nơi bình quân 400 tấn trái cây các loại/ngày”, anh Ba Hưng cho biết. Đây có thể gọi là chợ trái cây tự phát, nhưng ở đây đã hội tụ đủ những gì mà nông dân, thương lái và chủ vựa cần. Sát đường nhựa, cạnh sông Tiền, ghe, xuồng tới cứ cập ngay vào vựa là chất hàng lên xe tải. Trước đây, nơi này chủ yếu cung cấp trái cây cho TP.HCM và một số tỉnh, nhưng “tiếng tăm” ngày một vang xa nên khách từ Hà Nội, Lạng Sơn… cũng tìm đến đặt hàng. “Bán cho những nơi đó dù xa, nhưng có giá. Tiền hàng thì họ gửi qua bưu điện… nên chẳng có gì bất tiện”, anh Hưng nói.

 

Chợ Cái Bè, chợ An Hữu (thuộc huyện Cái Bè) là hai chợ nổi tiếng về mặt hàng trái cây ở ĐBSCL, với những mảng xanh ngút ngàn, những nhánh xoài trĩu quả, những cành mận trái bám đỏ lừ… Đó là những hình ảnh bắt mắt, dễ dàng nhìn thấy khi đến Cái Bè. Mỗi năm, Cái Bè cung cấp cho các nơi từ 150.000 - 200.000 tấn trái cây qua trung gian là trên 100 vựa trái cây lớn, nhỏ. Tuy nhiên, có một nghịch lý buồn khi các chợ trái cây hàng chục năm qua vẫn “ăn nên, làm ra”, thì người làm vườn lại không có được niềm vui như vậy. Giá trái cây cứ “thất thường” lên xuống không dự báo được là điều mà người làm vườn lo ngại nhất. Chị A ở xóm Nhà Thờ, thị trấn Cái Bè than rằng, mùa nhãn năm 2014 vì rớt giá nên chỉ còn khoảng 2.000đ/kg, cộng cả tiền bán xoài, tính ra trên 0,5 ha đất vườn chị chỉ thu được trên 10 triệu đồng, “không bằng một nửa năm trước”, chị nói.

 

 

Đặc sản miền Tây

 

Nhiều hộ làm vườn khác ở đây cũng rơi vào tình trạng tương tự, vườn cây cứ giảm dần sản lượng, trong khi giá cả không ngớt tụt dốc, bà con cho rằng, “do những năm trước đây cứ ào ạt bón phân, xịt thuốc, bất kể liều lượng nên bây giờ cây suy kiệt”, khoảng ba năm nay cho thu nhập không đủ tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu.

 

Nếu tính mặt bằng thu nhập chung, những năm qua nông dân làm vườn ở Cái Bè có khấm khá hơn so với nông dân trồng lúa ở ĐBSCL. Năm rồi ở huyện Cái Bè vẫn có một số nông dân thu nhập 300 - 400 triệu đồng từ 0,5 - 1 ha vườn, nhưng số người có thu nhập cao như vậy có thấm tháp gì so với nhiều nông dân đang mòn mỏi ôm cây ăn trái suy kiệt dần mà hy vọng những mùa vụ sau. Hay vừa qua, nhiều nhà vườn ở huyện Cái Bè rất phấn khởi vì giá mận An Phước đang tăng cao ở mức kỷ lục. Hiện thương lái mua tại vườn với giá từ 28.000đ - 30.000đ/kg, với giá này nhà vườn thu lãi trên 150 triệu đồng/ha (sau khi trừ chi phí). Theo thương lái, nguyên nhân giá mận An Phước tăng là do mận đang ở thời điểm nghịch vụ, nguồn cung không đáp ứng thị trường. Trước đây, huyện Cái Bè có khoảng 2.000 ha trồng mận An Phước, nhưng do giá đứng ở mức thấp trong thời gian dài, nên nhiều nông dân đã đốn chặt bỏ hơn 1/2 diện tích để trồng cây ăn trái khác. Tình trạng nông dân đốn chặt hàng loạt cây ăn trái bị rớt giá, rồi trồng lại loại cây ăn trái khác cũng chỉ vì sự nghiệt ngã của thị trường, quả là một thực trạng buồn mà người nông dân không tránh khỏi. Cho dù giờ đây, câu chuyện nông dân đốn chặt cây ăn trái hàng loạt vì rớt giá đã chấm dứt. Nhưng ở Cái Bè, đôi khi người ta vẫn dễ dàng bắt gặp cảnh tượng những “xác” cây chưa kịp khô héo nằm chỏng chơ nơi góc vườn, hay trên một khu vườn và không khó để nhận ra việc nông dân trồng 4-5 loại cây ăn trái khác thay thế loại cây cho thu nhập thất bát, “Họ đón đầu thị trường, rủi cây này rớt giá thì còn cây khác mà hy vọng”, một xã viên HTX Mỹ Lương nói. Nông dân phải tự bơi và họ có quyền làm vậy trên mảnh đất của mình và sự lộn xộn diễn ra ngay từ những mảnh vườn nơi đây đã khiến cho vùng đất giầu tiềm năng trái cây Cái Bè như đã trở thành “nồi lẩu thập cẩm”.

 

 

Lễ hội chợ nổi Cái Bè

 

Mùa vụ qua đi rồi mùa vụ lại đến, những xác cây hôm nay sẽ tiếp tục chất đống để thay thế bằng loại cây khác là chuyện khó tránh khi giá cả trái cây vẫn trong tình trạng “thất thường” như hiện nay.

 

 Anh Thư


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang