Chủ Nhật, 24/11/2024 06:10:17 GMT+7
Lượt xem: 1407

Tin đăng lúc 16-08-2021

Bến Tre: Hoạt động khuyến công đã hỗ trợ tích cực cho các cơ sở CNNT phát triển bền vững

Trong những năm qua, hoạt động khuyến công tỉnh Bến Tre đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế trên địa bàn mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
Bến Tre: Hoạt động khuyến công đã hỗ trợ tích cực cho các cơ sở CNNT phát triển bền vững
Sản phẩm CNNTTB tỉnh Bến Tre được quảng bá tại Hội chợ Công Thương khu vực phía Nam năm 2019 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Thực hiện Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về khuyến công giai đoạn 2016 – 2020, công tác khuyến công của tỉnh Bến Tre dã có nhiều cố gắng, chủ động xây dựng các đề án hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại cho nhiều doanh nghiệp và cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn, từ nguồn kinh phí khuyến công của trung ương và địa phương.

 

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở CNNT được thụ hưởng từ nguồn kinh phí khuyến công đã được thực hiện đem lại hiệu quả cao, cụ thể như: Hộ kinh doanh Trần Minh Tâm (tại địa chỉ phường 6, thành phố Bến Tre) chuyên chế biến thạch dừa là một điển hình, năm 2019, hộ kinh doanh Minh Tâm đã được Sở Công Thương - TTKC tỉnh Bến Tre thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến dừa” từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia do Bộ Công Thương phê duyệt.

 

Theo ông Trần Minh Tâm – chủ hộ kinh doanh chia sẻ: Để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm cung ứng cho thị trường, ông quyết định đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, cùng với sự hỗ trợ từ Đề án điểm khuyến công quốc gia “Hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh Bến Tre phát triển sản xuất các sản phẩm từ dừa”. Cơ sở Minh Tâm đã đầu tư 06 máy lạng thạch, 01 máy ép thạch, 01 máy cắt thạch viên, 06 máy ép miệng túi. Tổng kinh phí là 605 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng. Sau khi đầu tư máy móc, cơ sở đã triển khai đưa vào sản xuất, giúp đơn vị sản xuất thạch dừa tăng từ 5 lên 8 tấn thạch/ngày, đã làm tăng lợi nhuận từ 20 - 30%; các chi phí sản xuất và nhân công giảm 20%. Đặc biệt, đã cho ra thị trường nhiều sản phẩm như: Thạch dừa thành phẩm, nước màu dừa, thạch dừa tấm… sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng.

 

 

Hỗ trợ phát triển các sản phẩm từ dừa là mục tiêu hướng đến của đề án KCQG điểm của tỉnh giai đoạn 2019 – 2020

 

Theo đại diện Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (TTKC) tỉnh Bến Tre cho biết: Qua 05 năm thực hiện, chương trình khuyến công đã thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở CNNT ứng dụng công nghệ, phát triển sản xuất. TTKC tranh thủ mọi nguồn lực từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, khuyến công của tỉnh… để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, giới thiệu quảng bá sản phẩm, tập huấn nâng cao trình độ quản lý điều hành doanh nghiệp, tập huấn tay nghề cho người lao động.

 

Trong giai đoạn 2016 – 2020, TTKC đã tập trung hỗ trợ cho 80 đề án đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 16 tỷ đồng, vốn đối ứng từ đơn vị thụ hưởng trên 100 tỷ đồng, tạo ra việc làm cho hơn 3.000 lao động; Thực hiện 03 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2016, 2018 và 2020 với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng, kết quả bình chọn có 50 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; 22 sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 08 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia. Đồng thời, thực hiện 01 đề án khuyến công quốc gia hỗ trợ cơ sở CNNT tham gia hội chợ, triển lãm trong nước với kinh phí hỗ trợ là 720 triệu đồng.

 

Với tổng kinh phí thực hiện chương trình khuyến công giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh đạt 124,099 tỷ đồng. Trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 8,565 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 11,422 tỷ đồng, kinh phí đối ứng từ đơn vị thụ hưởng là: 104,112 tỷ đồng. 

 

 

Máy ép thạch được hỗ trợ từ nguồn kinh phi khuyến công của cơ sở hộ kinh doanh Minh Tâm

 

Có thể nói, Chương trình khuyến công giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh Bến Tre đã giúp cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, ứng dụng khoa học hiện đại, đẩy mạnh sản xuất và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, doanh nghiệp.

 

Trong thời gian tới, TTKC cần tiếp tục tăng cường công tác khảo sát, tư vấn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; tìm hiểu những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đề án để có biện pháp tháo gỡ, giúp đỡ kịp thời cho doanh nghiệp và cơ sở sản xuất CNNT nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

 

Thu Hằng


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang