Ở Bến Tre, những tác động từ dịch bệnh cùng với tình trạng xâm nhập mặn nghiêm trọng, kéo dài đã gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của Bến Tre chỉ đạt 0,84%. Trong đó, khu vực nông – lâm – thủy sản tăng trưởng âm 2,07%, khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 4,86%, khu vực dịch vụ tăng 2%.
Trước bối cảnh đó, tỉnh Bến Tre đã chủ động triển khai đồng loạt các giải pháp để phục hồi kinh tế, cải thiện và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Tỉnh cũng tăng cường các giải pháp xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt các điều kiện để nắm bắt thời cơ kinh doanh, chủ động thu hút các dòng vốn dịch chuyển đầu tư từ các nước khi thị trường hồi phục. Cụ thể:
Thứ nhất: Tập trung phân tích, đánh giá những khó khăn, bất cập trên từng ngành, lĩnh vực để có giải pháp cơ cấu lại, rút ngắn quá trình phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường thay thế, đa dạng hóa thị trường đầu ra cũng như nguồn cung ứng đầu vào, giảm bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường cụ thể.
Thứ hai: Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, chính sách về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội. Hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được tiếp cận nhanh với các cơ chế, chính sách hỗ trợ để tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Thứ ba: Thực hiện tốt các giải pháp tiền tệ, tín dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định của Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ khách hàng vay gặp khó khăn do tác động dịch bệnh Covid-19, nhất là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí; chủ động, cân đối nguồn vốn, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư: Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại để phát triển thị trường trong trạng thái mới. Cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, chuẩn bị tốt các điều kiện để nắm bắt thời cơ kinh doanh, chủ động thu hút các dòng vốn dịch chuyển đầu tư từ các nước khi thị trường hồi phục. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư theo hướng trực tiếp mời gọi các nhà đầu tư chiến lược là các tập đoàn lớn, các tổng công ty hàng đầu, có uy tín và có thương hiệu đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế như: năng lượng sạch, du lịch biển, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, cảng biển. Đồng thời, coi trọng và làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, rà soát, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư có điều kiện thuận lợi sớm triển khai thực hiện các dự án mới hoặc đầu tư mở rộng, tạo hiệu ứng lan tỏa, có tác động tích cực tới việc thu hút các nhà đầu tư mới.
Tỉnh Bến Tre cũng tập trung phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh tiến độ đầu tư vào khu công nghiệp Phú Thuận, CCN Long Phước…; Tạo quỹ đất cho doanh nghiệp tiếp cận đầu tư thuận lợi, nhất là nắm bắt cơ hội đón làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng.
Thứ năm: Cơ cấu lại doanh nghiệp, khuyến khích ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số... để thích ứng với giai đoạn hiện nay. Hướng dẫn doanh nghiệp khởi tạo và vận hành hiệu quả gian hàng trên sàn thương mại điện tử; tổ chức giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa. Triển khai đồng bộ các biện pháp đảm bảo an ninh trên lĩnh vực kinh tế, nhất là an ninh, trật tự tại các khu/CCN, các công trình/ dự án kinh tế trọng điểm... góp phần thực hiện mục tiêu nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thứ sáu: Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, hiện đại hóa quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học – công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, năng lực của doanh nghiệp, tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển bền vững sau đại dịch.
Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt từ 8,5- 9,5%/năm, GRDP bình quân đầu người phấn đấu tăng gấp đôi so với năm 2020, khoảng 87 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, Bến Tre cần huy động được nguồn vốn khoảng 135 -140 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, đột phá...
Theo Enternews