Phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 2025, tầm nhìn 2030.
Tạo nền tảng về nhân lực
Là một trong ba đột phá chiến lược đóng góp vào quá trình thay da đổi thịt của địa phương, Bến Tre luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo mọi điều kiện nhằm thu hút lao động, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn.
Ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bến Tre cho biết để phát triển nguồn nhân lực, tỉnh Bến Tre đã ban hành Đề án và Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030 để tổ chức thực hiện đồng bộ trong toàn tỉnh. Xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp đột phá là đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tận dụng cơ hội đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ các tổ chức trong nước và quốc tế.
Để tạo thế đột phá mới trong việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Bến Tre tập trung phát triển 4 nhóm nguồn nhân lực chủ yếu. Cụ thể: Nguồn nhân lực trong khu vực công, nguồn nhân lực sự nghiệp, nguồn nhân lực trong khu vực kinh tế và nguồn nhân lực trong xã hội.
Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng với việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đào tạo doanh nhân, đào tạo chủ doanh nghiệp, chủ nhiệm các hợp tác xã, để quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, các cơ sở đào tạo trên địa bàn cũng tăng cường mối liên kết với doanh nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho người lao động tại doanh nghiệp; Khuyến khích doanh nhân tham gia đầu tư và giảng dạy trong lĩnh vục giáo dục, đào tạo, dạy nghề.
Bến Tre cũng tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ đại học, sau đại học, đào tạo nghề có chuyên môn kỹ thuật cao; quan tâm phát triển nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, kỹ thuật số, công nghiệp chế biến thủy sản, chế biến rau quả…. đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 nhiệm vụ đột phá; trong đó, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 và năm 2045 là một trong những đột phá có tầm quan trọng đặc biệt.
Ông Phạm Thanh Hùng cho biết, để đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao, nhất là các ngành đang là thế mạnh của tỉnh, cùng với việc thường xuyên rà soát lại các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển từng ngành, lĩnh vực phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, Bến Tre cũng tăng cường công tác dự báo diễn biến nguồn nhân lực và nhu cầu nhân lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo tính toán, đến năm 2025, nguồn lực lao động của tỉnh tham gia hoạt động kinh tế khoảng 860.272 người và tầm nhìn đến năm 2030 khoảng 871.782 người. Lao động qua đào tạo đến năm 2025 khoảng 602.190 người, chiếm tỷ lệ 70%.
Tỉnh cũng quan tâm cơ chế chính sách đầu tư thoả đáng phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng cho giai đoạn tới. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục từ các cấp học phổ thông lên tới đại học, đặc biệt là các trường nghề, mở rộng liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, các tập đoàn đã thành công ở Bến Tre. Tỉnh cũng đang triển khai chiến lược phát triển Trường Cao đẳng Bến Tre giai đoạn 2021 - 2030, hoàn thành thủ tục, triển khai cơ sở vật chất và đưa vào hoạt động Trường Đại học Bến Tre là thành viên của Đại học Quốc gia TP HCM để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cùng với việc nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo chất lượng cao theo chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề; đảm bảo người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ,… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động, các đơn vị đào tạo cũng xây dựng cơ chế liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo...
Bên cạnh các nguồn lực nội tại, tỉnh Bến Tre cũng xây dựng cơ chế thu hút, giữ chân người tài ở lại tỉnh lâu dài, trở thành công dân Bến Tre để cống hiến, sáng tạo, góp phần đưa Bến Tre ngày càng phát triển.
Theo Diendandoanhnghiep.vn