Các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7; gồm Ý, Anh, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Mỹ) hôm 27-5 hội đàm với nguyên thủ một số quốc gia châu Phi trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh ghi nhận sự đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố và sự bất đồng trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Chống bảo hộ thương mại
Nước chủ nhà Ý hy vọng cuộc khủng hoảng di cư là một vấn đề trọng tâm tại hội nghị diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-5 tại thị trấn Taormina trên đảo Sicily, nơi tiếp nhận hàng trăm ngàn người chạy trốn chiến tranh và nghèo đói ở quê nhà trong 4 năm qua. Hầu hết họ đến từ vùng châu Phi hạ Sahara, lợi dụng tình trạng hỗn loạn ở Libya để tìm cách vượt biển đến Ý.
Không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo 5 nước châu Phi là Ethiopia, Kenya, Niger, Nigeria và Tunisia có mặt tại hội nghị. Những quốc gia này được xem là có vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng người di cư trên Địa Trung Hải khi là nơi xuất phát hoặc là điểm trung chuyển của hàng trăm ngàn người di cư muốn đến châu Âu bất chấp hành trình vượt Địa Trung Hải đầy nguy hiểm.
Tuy nhiên, hội nghị nói trên bị phủ bóng bởi vụ đánh bom tự sát ở TP Manchester - Anh vào đầu tuần này và những tranh cãi liên quan đến vấn đề thương mại tự do và Hiệp định Paris năm 2015 về chống biến đổi khí hậu. Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa quyết định liệu có tuân thủ cam kết hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính hay không, trong lúc có lập trường phản đối một loạt hiệp định thương mại bị xem là có hại cho lợi ích kinh tế Mỹ.
Dù vậy, một nguồn tin của Pháp hôm 27-5 cho Reuters biết các bên đã đạt được tiến triển đáng kể về vấn đề thương mại đa phương, qua đó cho thấy Mỹ đã có những nhượng bộ nhất định trước nỗi lo của 6 nước còn lại về chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump.
Cụ thể, nhà lãnh đạo Mỹ đã đồng ý đưa cam kết chống bảo hộ thương mại vào thông cáo chung được đưa ra vào cuối hội nghị. Trước đó, Tổng thống Donald Trump ủng hộ các biện pháp bảo hộ vì cho rằng Washington đang chịu tổn thất do "các tập quán thương mại không công bằng" từ một số đồng minh phương Tây quan trọng, trong đó có Đức, cũng như từ Trung Quốc và một số nước đang phát triển. Ngoài thương mại, các nước G7 còn tìm được tiếng nói chung về một số vấn đề nóng khác, như Syria và Triều Tiên.
Mỹ cần thời gian
Trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh G7, vấn đề an ninh đứng đầu chương trình nghị sự sau một loạt vụ tấn công khắp thế giới gần đây. Các nhà lãnh đạo đã ra tuyên bố chung, theo đó nhất trí đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố và kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ internet, công ty truyền thông xã hội tăng cường nỗ lực kiểm soát nội dung cực đoan trên mạng. Tuy nhiên, hội nghị không đạt được đột phá nào về vấn đề biến đổi khí hậu khi G7 không thể thuyết phục được Tổng thống Donald Trump đưa ra quan điểm rõ ràng về Hiệp định khí hậu Paris.
Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni cho biết ngoại trừ Mỹ, 6 nước còn lại của G7 đều tái khẳng định cam kết thực thi hiệp định này. Riêng Tổng thống Donald Trump chỉ cam kết bảo vệ môi trường cũng như cho biết cần thêm thời gian để suy nghĩ dù không nói khi nào sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về hiệp định. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ sau đó viết trên trang Twitter rằng ông sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào tuần tới.
Ông Gary Cohn, cố vấn kinh tế của Tổng thống Donald Trump, cho biết quyết định của nhà lãnh đạo này về vấn đề biến đổi khí hậu sẽ dựa trên những gì được xem là tốt nhất cho nước Mỹ. Theo ông Cohn, tổng thống Mỹ có thể không rút khỏi hiệp định nếu Washington nhận được sự ủng hộ về việc giảm bớt chỉ tiêu cắt giảm khí thải. Vị cố vấn này cho rằng cam kết giảm ít nhất 26% khí thải vào năm 2025 có thể cản trở sự tăng trưởng kinh tế của Mỹ.
Tổng thống Donald Trump cho các nhà lãnh đạo khác biết ông vẫn chưa sẵn sàng đánh đổi sự tăng trưởng về việc làm cho việc cắt giảm khí thải - trang Bloomberg dẫn lời ông Cohn cho biết.
Nguồn NLĐ