Theo số liệu, tỉnh Bình Định hiện đang có 15 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích gần 7000ha. Trong đó, có 7 KCN đã đi vào hoạt động và lấp đầy 2 KCN, còn lại có 3 KCN đã hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, 5 KCN quy hoạch mới.
Ngoài ra, Bình Định còn có Khu kinh tế (KKT) Nhơn Hội với diện tích hơn 14.300ha. Hiện nay KKT Nhơn Hội và các KCN đã thu hút được 400 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 150.000 tỉ đồng. Trong đó, đang có 250 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho 25.000 lao động, kim ngạch xuất khẩu đạt 700 triệu USD.
Từ đầu năm 2024 tới nay, tỉnh Bình Định thu hút 51 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 9.979 tỉ đồng, trong đó có 49 dự án đầu tư trong nước và 02 dự án FDI. Thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Bình Định, các doanh nghiệp đầu tư vào KCN, KKT đều được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất của Trung ương và địa phương. Đồng thời, địa phương cũng chú trọng cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Được biết, tại Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương xác định phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0. Cụ thể, trọng tâm sẽ là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao là trụ cột phát triển quan trọng của địa phương trong thời kỳ tới.
Đặc biệt, địa phương cũng chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất thép, điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu nông – lâm – thủy sản, sản xuất dược phẩm, bán dẫn, công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo,... Địa phương cũng yêu cầu nhà đầu tư cũng cần có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh.
Mặt khác, Bình Định cũng có đầy đủ các điều kiện cơ sở hạ tầng, thuận lợi cho việc đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 21 doanh nghiệp đang sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.411 tỷ đồng, tổng diện tích xây dựng nhà máy 55ha.
Thông tin từ Sở Công thương Bình Định, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đều đầu tư vào các Khu cụm công nghiệp nên thuận lợi trong việc xử lý môi trường, tổ chức quản lý sản xuất tập trung. Từ đây, các nhà đầu tư cũng góp phần tăng tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội thảo khu vực duyên hải miền Trung: “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững” vừa qua, ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay địa phương đã thành lập Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư với nhiệm vụ trọng tâm là vừa xúc tiến, vừa hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đầu tư tại tỉnh. Qua đây, Bình Định muốn nhanh chóng giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư.
“Thông qua các cuộc họp thường xuyên, Tổ Công tác đã đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định, cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn. Từng bước tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào tỉnh và huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, hạ tầng phục vụ công nghiệp, giao thông, hạ tầng du lịch,...”, ông Giang chia sẻ.
Về câu chuyện phát triển công nghiệp, tỉnh Bình Định cũng xác định bảo vệ môi trường là điều kiện ràng buộc trong việc thu hút các dự án đầu tư vào KKT Nhơn Hội và các KCN. Cụ thể, các dự án mới đều phải quy định có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường nhằm phòng ngừa, hạn chế,kiểm soát các tác động ô nhiễm môi trường ngay từ ban đầu.
Cùng với đó, Bình Định cũng chú trọng triển khai đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại các KCN để bảo đảm an toàn, quan trắc liên tục các vấn đề môi trường. Về công tác trao chứng nhận đầu tư, tỉnh này cũng sẽ nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ các dự án đầu tư, xem xét bố trí hợp lý khu vực nhà xưởng, sản xuất, chất thải theo đúng quy định,...
Theo diendandoanhnghiep.vn