Theo các số liệu thống kê cho thấy, 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của tỉnh Bình Định tăng 9,88% so với cùng kỳ, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,39%. Bên cạnh đó, Bình Định có đến 41 dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư đạt 4.342 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 21 doanh nghiệp CNHT với tổng vốn đầu tư 4.411 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 10 doanh nghiệp đang triển khai 10 dự án sản xuất sản phẩm CNHT với tổng vốn đăng ký đầu tư 57.444 tỷ đồng và xây dựng nhà máy trên tổng diện tích 478 ha.
Thời gian qua, Bình Định đã thu hút được nhiều dự án sản xuất sản phẩm CNHT lớn tiêu biểu như: Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định sản xuất thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo, với tổng vốn đầu tư 3.600 tỷ đồng; Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn với tổng vốn đầu tư 56.257 tỷ đồng; Dự án sản xuất gia công bộ phận phụ tùng ô tô, phụ tùng động cơ, phụ tùng phanh, phụ tùng máy móc hạng nặng của Công ty TNHH HANSHIN METAL VINA với tổng vốn đầu tư 120 tỷ đồng….
Kể từ khi đi vào hoạt động, ngoài việc thúc đẩy tăng chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các dự án này còn tạo động lực để thúc đẩy phát triển CNHT của các ngành mà dự án đó đi vào hoạt động như: Tạo đầu ra cho các sản phẩm CNHT, nâng cao trình độ quản lý sản xuất của các doanh nghiệp CNHT để ngày càng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.
Mới đây, tại Hội nghị Chiến lược phát triển ngành trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và an ninh mạng do UBND tỉnh Bình Định phối hợp cùng Tập đoàn FPT tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, Bình Định đã xác định mở lần lượt các cánh cửa để tạo thành công cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Theo đó, một trong những cánh cửa đầu tiên là phát triển AI, bán dẫn, an ninh mạng và nguồn nhân lực công nghệ...
Việc phát triển AI, công nghiệp bán dẫn và an ninh mạng là những bước đi quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu này, từ đó góp phần xây dựng Bình Định trở thành trung tâm công nghệ cao của miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.
Dù vậy, cái khó của Bình Định trong phát triển CNHT hiện nay đó là số lượng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn so với số lượng các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh. Các doanh nghiệp CNHT không đủ nguồn vốn để mua sắm các thiết bị máy móc chế tạo sản phẩm; Việc cung cấp các dịch vụ kiểm định, thử nghiệm, chứng nhận chất lượng các sản phẩm CNHT cho các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có đầu mối hỗ trợ cụ thể. Thêm vào đó, phần lớn lao động tại các doanh nghiệp CNHT là lao động phổ thông, được đào tạo trong quá trình tập sự tại doanh nghiệp là chủ yếu; Tỷ lệ lao động qua đào tạo, đặc biệt là lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp rất thấp và luôn trong tình trạng khan hiếm. Trong khi trình độ của đội ngũ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp CNHT còn hạn chế.
Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nhơn Hội - Bình Định sản xuất thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo
Chính vì vậy, để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực CNHT, Bình Định đã áp dụng khung chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ như: Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, cũng như miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất; Triển khai chính sách hỗ trợ phát triển CNHT theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã đề xuất Bộ Công Thương quan tâm, hỗ trợ tỉnh Bình Định phát triển các dự án trên địa bàn như: Nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn, linh kiện điện tử; Nhà máy sản xuất Hydrogen xanh; Hỗ trợ tỉnh tham gia Đề án thí điểm đầu tư các cụm công nghiệp tập trung theo mô hình cụm liên kết ngành sản xuất các nguyên phụ liệu quan trọng ngành may mặc…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách phát triển CNHT như: Quy chế quản lý và sử dụng khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Định nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm CNHT; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh; Quy định chính sách hỗ trợ phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh Bình Định đối với các sản phẩm CNHT có thế mạnh của tỉnh…
Thời gian tới, Bình Định hướng phát triển CNHT phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và xu hướng phát triển của quốc gia cũng như của thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp ưu tiên, gồm: Điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất linh kiện ô tô, dệt may, da giày, chế biến gỗ, hóa chất và dược phẩm, công nghiệp công nghệ cao.
Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; Ưu tiên thu hút các dự án lớn, đặc biệt từ nguồn vốn FDI, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có suất đầu tư trên một đơn vị diện tích lớn; Tập trung thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, công nghệ hiện đại vào các ngành công nghiệp ưu tiên của tỉnh như: Công nghiệp chế biến, chế tạo (chế biến gỗ, dệt may, thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, sản phẩm công nghệ sinh học), CNHT điện tử.
Yên Bắc