Chuyển đổi số là xu thế tất yếu để bứt phá
Thực tế cho thấy, các DN CNHT ở Bình Dương đang chịu áp lực lớn từ các đối tác, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Họ không chỉ yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh mà còn đòi hỏi cao về tiến độ giao hàng, khả năng truy xuất nguồn gốc và đặc biệt là sự tương thích với các tiêu chuẩn CN thông minh. Nếu không đổi mới, các DN CNHT sẽ khó lòng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, thậm chí có thể bị loại khỏi cuộc chơi.
Đổi mới công nghệ và CĐS không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu sống còn. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến và số hóa quy trình sản xuất, quản lý mang lại hàng loạt lợi ích: nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí vận hành, tăng cường khả năng thích ứng với thị trường biến động và mở rộng cơ hội tiếp cận khách hàng mới. Đây chính là chìa khóa giúp DN CNHT Bình Dương nâng cao sức cạnh tranh, không chỉ trên thị trường nội địa mà còn vươn tầm quốc tế.
Công ty TNHH Sản xuất, Dịch vụ, Thương mại cơ khí Kim Chung (TP.Tân Uyên) hoạt động trong lĩnh vực gia công chi tiết và các thiết bị phụ trợ cho ngành CN. Trước đây, Công ty sử dụng các máy móc cũ, lạc hậu, phải qua nhiều công đoạn mới hoàn thành được sản phẩm. Khi được hỗ trợ từ chương trình đổi mới công nghệ của ngành Công Thương, Công ty đã đầu tư máy móc hiện đại, tự động hóa dây chuyền sản xuất và phương thức sản xuất. Nhờ đó, Công ty đã rút ngắn 1/3 thời gian sản xuất sản phẩm, giảm 50% nhân công vận hành, giảm chi phí nhân công 5 lần đối với mỗi sản phẩm và năng suất lao động tăng gần 5 lần so với công nghệ cũ.
Còn theo ông Phan Thành Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (TP.Thuận An), việc đơn thuần áp dụng các công nghệ số trong nhà máy không đồng nghĩa với việc sẽ hình thành nên chuỗi cung ứng số và tự vận hành, mà đòi hỏi có sự kết nối xuyên suốt mọi hoạt động diễn ra bên trong và bên ngoài DN, từ việc lập kế hoạch cho đến kế hoạch thu mua, hoạt động sản xuất và logistics. Do đó, thay đổi nhận thức của người đứng đầu là rất quan trọng để DN có thể tiếp nhận xu hướng mới, hiểu đúng, làm đúng và tận dụng tốt cơ hội từ xu hướng mới.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương Lưu Trí cho biết, đặc thù của ngành CNHT là phải sản xuất với số lượng lớn, do vậy giá thành, chất lượng và thời gian giao hàng luôn là những đòi hỏi khắt khe của các tập đoàn lớn, đặc biệt khi Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì thế, các DN thành viên Hiệp hội xác định CĐS, đổi mới công nghệ là hết sức quan trọng, cấp thiết đối với DN. DN đặt ưu tiên hàng đầu là tự động hóa, bởi chỉ có tự động hóa mới giải quyết được 3 bài toán: Giảm giá thành, ổn định về chất lượng và đáp ứng được thời gian giao hàng.
Chính sách hỗ trợ thiết thực
Nhận thức rõ tầm quan trọng của CNHT và xu thế CĐS, đổi mới công nghệ, các cơ quan chức năng của Bình Dương đã và đang tích cực triển khai nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ thiết thực.
Theo đại diện Sở Công Thương Bình Dương, tỉnh luôn xác định CNHT là một trong những ưu tiên hàng đầu trong phát triển CN. Để hỗ trợ DN CNHT đổi mới công nghệ và CĐS, Sở Công Thương đã và đang triển khai nhiều chương trình cụ thể. Trong đó tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS cho DN; tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về ứng dụng công nghệ 4.0 và đặc biệt là kết nối các DN CNHT với các đối tác lớn, các chuyên gia về CĐS để được tư vấn, hỗ trợ trực tiếp.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch CĐS tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh mục tiêu hỗ trợ DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Cụ thể, tỉnh đã triển khai các quỹ, chương trình khuyến công, quỹ phát triển khoa học và công nghệ để hỗ trợ DN vay vốn ưu đãi, hoặc tài trợ một phần chi phí cho các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng giải pháp CĐS. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Bình Dương đã triển khai hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho các DN CNHT.
Sở Công Thương và các ban ngành liên quan cũng thường xuyên tổ chức các Hội thảo, Diễn đàn, khóa đào tạo về CĐS, quản trị thông minh, sản xuất tinh gọn. Đáng chú ý, các chương trình kết nối DN CNHT với các tập đoàn công nghệ lớn, các viện nghiên cứu, trường đại học đã tạo điều kiện cho DN tiếp cận kiến thức, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về xây dựng hạ tầng số, tỉnh ưu tiên phát triển hạ tầng số đồng bộ và toàn diện, xây dựng kho dữ liệu dùng chung, phát triển dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tạo môi trường thuận lợi cho DN tiếp cận và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất kinh doanh và thủ tục hành chính.
Cùng với đó, các cơ quan nhà nước cùng các Hiệp hội, ngành hàng trong tỉnh cũng đang tích cực cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên sâu cho DN về lộ trình CĐS, lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp với quy mô và đặc thù của từng DN.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình CĐS và đổi mới công nghệ của các DN CNHT Bình Dương vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Chi phí đầu tư ban đầu cho công nghệ và hạ tầng số còn khá lớn, vượt quá khả năng của nhiều DN nhỏ và vừa. Thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao, đặc biệt là kỹ sư, chuyên gia về công nghệ thông tin và tự động hóa, cũng là một rào cản đáng kể. Ngoài ra, tâm lý e ngại thay đổi, lo ngại về an ninh mạng cũng khiến một số DN chưa thực sự quyết liệt trong CĐS.
Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng với sự chủ động từ phía DN và sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền, ngành CNHT Bình Dương đang có những bước tiến vững chắc trên hành trình đổi mới công nghệ và CĐS. Bình Dương đã và đang dành không gian phát triển cho các khu công nghệ thông tin tập trung, Công viên Khoa học và Công nghệ, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, điển hình như dự án nhà máy chip bán dẫn. Đây là những động thái mạnh mẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của CN công nghệ số và CNHT thông minh.
Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung vào việc cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, ưu tiên bố trí kinh phí cho CĐS, đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng số cho lao động, và đẩy mạnh kết nối cung cầu trong chuỗi giá trị. Mục tiêu là biến Bình Dương thành một trung tâm CN thông minh, nơi các DN CNHT không chỉ đóng vai trò mắt xích quan trọng mà còn là những đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ, tạo ra giá trị gia tăng cao và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự bứt phá của các DN CNHT Bình Dương thông qua đổi mới công nghệ và CĐS không chỉ góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế địa phương mà còn là minh chứng cho năng lực đổi mới sáng tạo của DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Duy Tiên