Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định
Theo Sở Công Thương Bình Dương, việc triển khai các nhóm giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ khó khăn, hoạt động sản xuất của Bình Dương tiếp tục phát huy hiệu quả. Trong đó, ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,31% so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, ngành công nghiệp, khai khoáng tăng 2,38%; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2,19%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,78%...
Theo bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương, nhằm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, năm 2020 Ngành Công Thương Bình Dương tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
Đặc biệt, Bình Dương chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên thu hút, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) theo quy hoạch; phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ, phục vụ nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư...
Đẩy nhanh tiến độ thành lập mới và mở rộng khu, cụm công nghiệp
Trong những năm qua Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế. Trong đó, Bình Dương đã tập trung mọi nguồn lực để hình thành và phát triển các khu, CCN nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các DN trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tỉnh luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu thu hút đầu tư.
Công nghiệp chuyển dịch mạnh về các huyện phía Bắc Bình Dương - Khu công nghiệp Bàu Bàng
Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch UBND Bình Dương - cho biết, năm 2020, Bình Dương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thành lập mới và mở rộng KCN, CCN. Đặc biệt, Bình Dương sẽ đẩy nhanh tiến độ thành lập KCN công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, tỉnh xây dựng chính sách và triển khai thực hiện hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi công năng các cơ sở sản xuất công nghiệp ở phía nam sang phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị và công nghiệp công nghệ cao phù hợp với quy hoạch.
Ngoài việc phát triển các KCN phia nam, những năm gần đây, theo chủ trương của Bình Dương, công nghiệp có sự dịch chuyển mạnh về phía bắc của tỉnh. Đơn cử, tại huyện Bắc Tân Uyên theo quy hoạch, sau năm 2020 tổng diện tích các KCN, đô thị trên địa bàn huyện khoảng 2.208 ha với 5 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp. Động lực của sự phát triển này là nhờ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối của huyện ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại.
Trong khi đó, Huyện Phú Giáo cũng được phê duyệt quy hoạch 5 CCN như: Tam Lập 1, Tam Lập 2, Tam Lập 3, Tam Lập 4 và Phước Hòa với tổng diện tích hơn 307 ha. Đến nay, CCN Tam Lập 1 với diện tích hơn 68 ha được triển khai xây dựng và đã có nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy sản xuất lốp ô tô du lịch, chuẩn bị khánh thành đi vào hoạt động. Trong khi đó, 4 CCN còn lại đã và đang hoàn tất các bước để triển khai đầu tư trong thời gian tới.
Theo ghi nhận, hiện các KCN trên địa bàn tỉnh đều được quy hoạch, định hướng xây dựng hạ tầng tốt và có tỷ lệ lấp đầy cao. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 12 CCN với tổng diện tích 789,91 ha. Trong đó, có 10 CCN đã đi vào hoạt động với diện tích 648,29 ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân của các cụm đã hoạt động khoảng 67,4%.
“Năm 2020, Bình Dương phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,55% so với năm 2019, kim ngạch xuất khẩu tăng 15% so với năm 2019... Ngoài ra, Bình Dương cũng tập trung phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ logistics, thương mại điện tử. Đồng thời khai thác các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng đối với những sản phẩm xuất khẩu chủ lực” - Chủ tịch UBND Bình Dương nhấn mạnh.
Theo Báo Công Thương