Khát vọng bứt phá
Ngày 18/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Trong đó, các hoạt động của chính quyền cơ bản diễn ra trên không gian mạng, hoàn thiện nền tảng dữ liệu số; giao tiếp giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp đều diễn ra trên không gian mạng.
Điểm đột phá trong nghị quyết này là tầm nhìn chiến lược mang tính khái quát cao, quyết tâm lớn; đồng thời thể hiện rõ khát vọng bứt phá trong cuộc cách mạng 4.0 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước. Nghị quyết đã khẳng định, chuyển đổi số phải được thực hiện trong từng lĩnh vực tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện, với 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt, lấy doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải gắn liền với cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan trong chỉ đạo thực hiện và lấy tiêu chí số hóa để đánh giá cán bộ hằng năm.
Nghị quyết cũng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP. Tỉnh Bình Phước cũn tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông (ICT); các hoạt động kinh tế số nền tảng trên mạng internet (kinh tế số internet); kinh tế số ngành. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số của mỗi ngành chiếm tỷ trọng từ 7-10% trong tổng GRDP của tỉnh.
Nghị quyết cũng đặt mục tiêu trong phát triển xã hội số, đó là mọi người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ được định danh và lưu giữ dưới dạng số hóa làm cơ sở cho việc thực hiện các thủ tục hành chính tiếp theo mà không cần cung cấp hồ sơ trước đó. Đẩy mạnh sử dụng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Các điểm công cộng, đường giao thông, tuyến biên giới, từng khu phố, khu dân cư đều lắp đặt camera giám sát an ninh, trật tự công cộng. Phấn đấu 100% hộ gia đình sử dụng phương tiện kết nối thông minh...
Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu về chuyển đổi số, ngày 13/10/2021, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã ban hành Kế hoạch số 312/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy. Bà Trần Tuệ Hiền - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, để đạt được mục tiêu này, kế hoạch đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, 9 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, 5 mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện và 3 giải pháp trọng tâm.
“Chìa khóa” mở ra nhiều cơ hội
Thực tế, những năm qua, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã được triển khai và đẩy mạnh thực hiện trên một số lĩnh vực và đã đạt kết quả bước đầu quan trọng. Cụ thể, đến nay, tỉnh đã có 1224 DVC trực tuyến mức độ 4 được kết nối với Cổng DVC Quốc gia, đạt 100% theo yêu cầu của Chính phủ; vận hành hiệu quả Trung tâm Phục vụ hành chính công, Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh và 3 IOC của thành phố Đồng Xoài, thị xã Phước Long và Bình Long. Các văn bản hồ sơ hầu hết đều được xử lý và thực hiện trên môi trường điện tử thông qua ứng dụng chữ ký số, phần mềm không giấy…. Kết quả này đã tạo đà cho hoạt động chuyển đổi số của thời điểm hiện tại đẩy mạnh phát triển.
Đặc biệt mới đây, UBND tỉnh Bình Phước và Công ty Cổ phần FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn; đồng thời hoàn thiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số toàn diện; đưa Bình Phước sớm trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước về chuyển đổi số.
Bám sát Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước, dựa trên đặc thù của tỉnh các bên sẽ tập trung triển khai các nội dung để phát triển khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo tập trung của tỉnh, hỗ trợ tỉnh thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư, vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT); hợp tác đầu tư tổ hợp giáo dục công nghệ bao gồm trường đại học, cao đẳng phổ thông và trung tâm sản xuất phần mềm tại Bình Phước… Trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, hai bên cũng sẽ nghiên cứu triển khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và các chương trình giúp doanh nghiệp và hộ gia đình bán sản phẩm nông nghiệp của Bình Phước ra toàn quốc thông qua nền tảng thương mại điện tử.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, chuyển đổi số vừa là cơ hội vừa là đột phá để thực hiện khát vọng phát triển của Bình Phước. Tỉnh xác định phát triển công nghiệp là trung tâm; thương mại - dịch vụ phát triển kịp thời để phục vụ lại nhu cầu phát triển công nghiệp; nông nghiệp phát triển hiệu quả theo hướng công nghệ cao. Do đó, dựa trên những lĩnh vực 2 bên hợp tác thống nhất hợp tác đầu tư, tỉnh Bình Phước xem đây là cơ hội để thúc đẩy mạnh việc chuyển đổi số cũng như tạo ra nguồn nhân lực CNTT.
Xếp hạng chuyển đổi số năm 2020 của Bình Phước ở vị trí thứ 25/63 tỉnh, thành phố và chỉ xếp sau TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai ở khu vực Đông Nam bộ. |
Theo Diendandoanhnghiep.vn