Nỗ lực hoàn thành nhiều chỉ tiêu
Theo Bộ Xây dựng: Thị xã Đồng Xoài được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III từ năm 2014, với 5 phường và 3 xã. Vì vậy, đề xuất công nhận thị xã Đồng Xoài đạt tiêu chuẩn đô thị loại III (mở rộng khu vực nội thị) và nâng cấp thành TP Đồng Xoài trực thuộc tỉnh Bình Phước là phù hợp với Chương trình phát triển đô thị quốc gia 2012 - 2020 và định hướng phát triển đô thị của tỉnh.
Đối chiếu với các quy định của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Xây dựng đồng ý với kết quả đánh giá rà soát của UBND tỉnh Bình Phước. Trong đó, có 36/59 tiêu chuẩn đánh giá đạt điểm tối đa, 22/59 tiêu chuẩn đánh giá đạt điểm trung bình hoặc tối thiểu, 01/59 tiêu chuẩn không đạt là mật độ dân số toàn đô thị.
Đô thị Đồng Xoài nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Bình Phước, có tốc độ đô thị hóa cao và được xác định là một trong những vùng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước. Hướng đến phát triển đô thị Đồng Xoài có chất lượng, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và không gian đô thị đồng bộ, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục rà soát các dự án đang triển khai trên địa bàn.
Xác định các dự án ưu tiên đầu tư, các công trình trọng điểm đối với thị xã Đồng Xoài. Quan tâm đến chất lượng nâng cấp bổ sung các công trình công cộng và thương mại dịch vụ đô thị, mạng lưới cung cấp nước máy… theo định hướng quy hoạch chung được duyệt.Tăng cường công tác quản lý đô thị trên địa bàn hướng tới đô thị văn minh, hiện đại.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước, từ khi Đồng Xoài được công nhận là đô thị loại III đến nay, các chỉ tiêu về đánh giá đô thị đã thay đổi đáng kể như: Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,06 lần so với bình quân chung cả nước năm 2014 lên 1,23 lần năm 2017; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị tăng từ 88,13% lên 93,88%; Diện tích sàn nhà ở bình quân khu vực nội thị tăng từ 13,86 m2/người lên 26,9 m2/người; Tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng khu vực nội thị tăng từ 10,73% lên 13,4%; Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt tăng từ 68,68 lít/người/ngày đêm lên 121,7 Íit/người/ngày đêm...
Ông Lê Trường Sơn – Chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài – cho biết: “Có được kết quả như vậy, là do nhận thức của lãnh đạo chính quyền, các sở, ban ngành và sự chung tay của nhân dân thị xã đã tập trung đầu tư phát triển Đồng Xoài đáp ứng vững chắc tiêu chí đô thị loại III và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đủ điều kiện để nâng cấp thị xã Đồng Xoài lên thành phố”.
Theo ông Lê Trường Sơn: Tỉnh đã chú trọng đầu tư các dự án về giao thông, cấp thoát nước, cây xanh, chỉnh trang đô thị và phát triển khu đô thị mới như: nâng cấp QL14, đường ĐT741 đoạn qua nội ô thị xã Đồng Xoài; đầu tư xây dựng 12 tuyến đường khu dân cư khu phố Phú Thịnh, phường Tân Phú; nâng cấp bê tông nhựa nóng các tuyến đường trung tâm hành chính phường Tân Đồng; trồng cây xanh QL14, ĐT741; lát gạch vỉa hè quảng trường tỉnh; nạo vét suối Cái Bè, suối Đồng Tiền; xây dựng kè và làm đường hai bên suối Đồng Tiền, suối Tầm Vong; nâng cấp bê tông hóa mương thoát nước hạ lưu cống ngang dốc Kỳ Đà; cải tạo chống ngập hệ thống thoát nước vòng xoay Hùng Vương.v.v…
Thành phố của “đất đỏ miền đông”
Theo bà Trần Tuệ Hiền – Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Phước: “Bình Phước xuất phát điểm là một địa phương nghèo, đất rộng, người thưa… Song, sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, từ vùng đất đỏ màu mỡ ba-zan năm xưa của tỉnh Sông Bé, thì hôm nay, Bình Phước đang thật sự là vùng đất hứa của rất nhiều người dân trên cả nước. Chúng tôi quyết tâm đến ngày kỷ niệm giải phóng Đồng Xoài (26.12.1974-26.12.2018), thị xã Đồng Xoài sẽ chính thức trở thành thành phố. Một thành phố của “đất đỏ miền Đông”.
Thật vậy, chưa bao giờ, tỉnh Bình Phước nói chung và thị xã Đồng Xoài nói riêng, đã là nơi đến lý tưởng của hàng chục ngàn người dân di cư. Từ năm 2005-2016, đã có khoảng 18.091 hộ, với 74.681 nhân khẩu, từ 62 tỉnh, thành đã chọn Bình Phước là quê hương thứ hai để sinh sống. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực ổn định chỗ định cư cho người dân, nhưng vẫn còn 4.051 hộ, với 16.204 khẩu chưa có chỗ ở ổn định.
Ông Huỳnh Anh Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước – cho hay: “Từ năm 2005-2017, tỉnh đã bố trí sắp xếp ổn định được 31.209 hộ, với 128.836 người có được chỗ ở. Tuy nhiên, số lượng dân di cư tự do đổ về Bình Phước vẫn xu hướng tăng thêm”. Không phải ngẫu nhiên, khi mới tái lập tỉnh Bình Phước, tổng dân số của tỉnh chỉ 500.000 người. Nhưng hiện nay, tổng số dân tỉnh Bình Phước đã vượt hơn 1 triệu người.
Ông Nguyễn Văn Trăm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước – cho biết: “Ở Bình Phước, giờ đây có đủ các thành phần dân tộc của cả nước hội tụ về đây. Riêng số lượng dân di cư tự do, thống kê cho thấy có tới 41 dân tộc anh em đã về vùng đất này”.
Sự tăng vọt về dân số, sự phát triển mạnh mẽ về đô thị trên phạm vi toàn tỉnh là như vậy. Tương ứng với các chỉ số “bùng nổ” đó, thì riêng thị xã Đồng Xoài, các chỉ số về đô thị, dân số, xã hội cũng “kếch xù” không kém cạnh. Để đạt được các chỉ tiêu đáp ứng cấp độ một thành phố, suốt thời gian qua, “chúng tôi đã không ngừng quán xuyến từ thị xã xuống đến tận phường, tổ, ấp...; nhằm phấn đấu hoàn thành bằng được các kế hoạch về phát triển đô thị. Đặc biệt, thị xã Đồng Xoài đang cố gắng hoàn thành công trình xây dựng cơ sở hạ tầng 2 bờ suối Đồng Tiền và cống Tầm Vông” – ông Lê Trường Sơn cho biết.
Phản ánh với phóng viên báo Lao Động, ông Nguyễn Đăng Triệu – Chủ tịch UBND phường Tân Thiện – cho hay: “Suối Đồng Tiền có tới 2/3 chiều dài đi qua phường Tân Thiện. Vì vậy, để giải phóng, bồi thường hàng trăm hộ dân 2 bên bờ suối lấy đất mở đường, là bài toán nan giải. Song, chúng tôi đã tăng cường công tác dân vận, vì vậy, nhiều người dân chấp hành. Thậm chí, có hộ sẵn sàng hiến đất mở đường, lợi cho cộng đồng mà chính người dân cũng có lợi”.
Anh Nguyễn Quang Hùng (51 tuổi) – nhiếp ảnh gia Hội Nhiếp ảnh tỉnh Bình Phước – nói: “Gia đình tôi đã sinh sống ở Đồng Xoài đã 3 thế hệ. Hơn ai hết, là người sinh ra và lớn lên ở đây, tôi cảm nhận được sự phát triển mạnh mẽ của vùng đất này. Chưa bao giờ, hàng trăm ngàn dân thị xã Đồng Xoài lại khát khao trở thành... người thành phố”.
Tất nhiên, để trở thành người thành phố, rất nhiều điều đã và đang đặt ra đối với người dân Đồng Xoài. Trong đó, cái quan trọng là nét văn hoá, lối sống ăn đậm trong con người Đồng Xoài cũng phải điều chỉnh cho phù hợp, mà vẫn giữ cái nét đẹp truyền thống của vùng đất đỏ miền Đông...
Theo báo Lao động