Nhằm khuyến khích phát triển cây điều, Bình Phước đang có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư thay thế, cải tạo giống điều với năng suất cao để tăng năng suất điều thu hoạch trong những năm tới.
Song song với việc phát triển cây điều, các doanh nghiệp chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh cũng không ngừng phát triển. Tuy nhiên, thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp chế biến hạt điều đều chưa tập trung vào khâu đổi mới thiết bị công nghệ trong sản xuất mà đa phần vẫn sử dụng, chế biến bằng lao động thủ công nên năng suất và chất lượng còn thấp, đặc biệt là trong khâu bóc vỏ lụa. Để nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp chế biến hạt điều buộc phải áp dụng, đổi mới công nghệ hiện đại vào sản xuất, thay thế cho phương pháp chế biến thủ công.
Với mong muốn giúp đỡ các doanh nghiệp chế biến điều trên địa bàn tỉnh phát triển, những năm gần đây và đặc biệt năm 2017, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Phước đã đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến điều phát triển với nhiều đề án hỗ trợ đổi mới máy móc, công nghệ tiên tiến trong chế biến điều. Trong đó, nổi bật lên là đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc bóc vỏ lụa hạt điều trong dây chuyền chế biến điều xuất khẩu”cho Công ty TNHH MTV SXTM Hoàng Hưng (xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Được hỗ trợ 195 triệu đồng, Công ty Hoàng Hưng đã mạnh dạn đầu tư máy bóc vỏ lụa nhân hạt điều: Model PM300 với công suất từ 200 - 300kg điều nhân/giờ. Đây là loại máy được thiết kế và sản xuất tại Việt Nam, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về kỹ thuật trong chế tạo máy cũng như an toàn trong quá trình vận hành sản xuất.
Nói về tính hiệu quả từ đề án khuyến công mang lại cho doanh nghiệp, đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bù Đăng và UBND xã Đoàn Kết đánh giá cao sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công cho Công ty Hoàng Hưng nói riêng và các doanh nghiệp trên địa bàn nói chung để phát triển sản xuất. Mức hỗ trợ đã phần nào khuyến khích cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào chế biến hạt điều xuất khẩu, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để đảm bảo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu hiện nay. Thời gian tới, địa phương mong muốn Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh sẽ quan tâm và dành nhiều đề án hỗ trợ hơn nữa cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc bóc vỏ lụa hạt điều trong dây chuyền chế biến điều xuất khẩu” được thực hiện vào tháng 5/2017là Đề án không chỉ dành cho Công ty TNHH MTV SXTM Hoàng Hưng thụ hưởng mà còn dành cho cả Công ty TNHH SXTM Đức Thịnh. Theo đánh giá của đơn vị được thụ hưởng, Đề án đã giúp cơ sở cải thiện năng lực sản xuất, kinh doanh chế biến điều ngày một hiệu quả hơn.
Trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu điều của Bình Phước đạt 500 triệu USD, chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Bình Phước hiện có hơn 200 doanh nghiệp và 400 cơ sở chế biến điều. Trong đó, có 31 doanh nghiệp lớn với tổng công suất khoảng 82.000 tấn/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động. Công nghiệp chế biến điều đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân địa phương, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. |
Tuấn Minh