Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 8 năm qua, giúp Việt Nam trở thành một quốc gia được đánh giá cao ở châu Á - khu vực đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới này. Tuy nhiên, thành tích đó lại đi kèm với cái giá không hề nhỏ, đó là Việt Nam không còn đủ điều kiện để nhận được các nguồn vốn tài trợ phát triển từ nhiều tổ chức quốc tế.
Kể từ tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã ngừng ưu đãi gói viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%. Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng coi Việt Nam không còn thuộc diện chỉ nhận những khoản vay ưu đãi.
Trước năm 2010, thời hạn trung bình của các khoản vay là 30 – 40 năm, với lãi suất trung bình vào khoảng 0,7% - 0,8%/năm. Từ năm 2011 – 2015, lãi suất tăng lên 2% và thời hạn cũng giảm xuống còn từ 10 đến 20 năm. Tới nay khi Việt Nam không còn nằm trong diện vay ưu đãi, lãi suất của các khoản vay sẽ lên mức 3,5%, đồng thời kỳ hạn vay cũng bị rút xuống.
Trong bối cảnh đó, để bù cho nguồn đầu tư dài hạn và có lãi suất thấp bị mất đi, Việt Nam sẽ cần dựa nhiều hơn vào trái phiếu, các nhóm chứng khoán mới nổi vốn nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế trong nhiều năm gần đây.
Bloomberg dẫn lời ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank tại Hà Nội cho hay: “Đây chính là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Việt Nam đã đạt được thành công đáng kể về phát triển kinh tế và hiện đã trở thành một nước có thu nhập trung bình. Nhu cầu vốn của Việt Nam đang tăng nhanh, các nguồn vốn chính thức sẽ không thể đáp ứng đủ, vì vậy, tỷ lệ vốn huy động từ các thị trường vốn phải tăng lên”.
Theo số liệu của Bloomberg, khoảng 70% trong số 13,2 tỷ USD trái phiếu chính phủ nằm ở thị trường nội địa. Đợt phát hành trái phiếu ra nước ngoài (niêm yết bằng USD) mới nhất được tiến hành hồi tháng 11/2014. Khi đó 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm đã được bán ra với mức lãi suất 4,8%.
Theo ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành của quỹ VinaCapital, ngoài việc phải trông cậy nhiều hơn vào các thị trường vốn, Việt Nam cũng có thể cải cách thuế hoặc bán tài sản. Ông cho biết thêm: “Việt Nam có thể vay từ thị trường quốc tế nhưng vay quá nhiều sẽ rất nguy hiểm”.
Dù vậy ông vẫn khẳng định, việc Việt Nam rời khỏi nhóm các nước được vay ưu đãi là một tin tốt lành. Ông nói: “Điều đó có nghĩa là bạn đã làm tốt. Bạn đã được công nhận, bạn không cần nhận ưu đãi nữa. Bạn đã trưởng thành”.
Nguồn Thời báo Kinh doanh