Thứ Tư, 27/11/2024 03:30:21 GMT+7
Lượt xem: 1239

Tin đăng lúc 10-06-2020

Bộ Công Thương chủ động xây dựng giải pháp tăng trưởng hậu Covid-19

Trên tinh thần rất chủ động, quyết liệt đồng bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ra Quyết định ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại trong giai đoạn mới phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu của năm 2020 và tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng ở những năm tiếp theo.
Bộ Công Thương chủ động xây dựng giải pháp tăng trưởng hậu Covid-19
Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại trong giai đoạn mới phòng chống dịch Covid-19

Bám sát các mục tiêu cụ thể

 

Quyết định nêu rõ, Bộ Công Thương đang quyết liệt và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư... trong phạm vi quản lý của Bộ Công Thương để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với những bối cảnh mới của đất nước. Cụ thể, các đơn vị thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 để triển khai thực hiện nhằm phòng, chống hiệu quả dịch bệnh và khôi phục, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.

 

Theo đó, Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong toàn ngành thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19. Tiếp tục có hướng dẫn cụ thể cho một số ngành, lĩnh vực nếu xét thấy có yêu cầu đặc thù để vừa đảm bảo khôi phục sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo thực hiện 3 tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm điều kiện làm việc của người lao động.

 

Trên cơ sơ đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện các qui định pháp luật trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện Chính phủ điện tử nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

 

Đáng chú ý, tăng cường phối hợp, thúc đẩy việc triển khai dịch vụ công trực tuyến và chính phủ điện tử, đẩy mạnh liên kết, phối hợp với Chính phủ, các cơ quan ngang Bộ, địa phương. Cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ cho giai đoạn mới của dịch bệnh Covid-19 để tăng cường hiệu quả và ý nghĩa thiết thực cho doanh nghiệp, người dân, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. “Nâng cấp Cổng dịch vụ công của Bộ để bảo đảm kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với Cổng dịch vụ công quốc gia; nâng cấp, hoàn thiện các dịch vụ công trước khi đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia và đẩy mạnh thanh toán điện tử” - Bộ Công Thương khẳng định.

 

Bên cạnh đó, tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tốt thị trường ngoài nước trong tình hình mới. Theo đó rà soát, cập nhật để hoàn thiện và trình ban hành Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2021-2030, trong đó xác định lại vị trí, vai trò của các thị trường xuất nhập khẩu trong xu hướng chuyển dịch mới gắn với từng mặt hàng, từng thị trường.

 

Tiếp tục rà soát, tính toán lại kịch bản tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu năm 2020. Đồng thời, xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà ta có lợi thế, đặc biệt là sang thị trường EU và các thị trường mà Việt Nam đã có FTA.

 

Chủ động rà soát nội dung cụ thể trong cơ chế hợp tác thông qua các Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban Hỗn hợp, Ủy ban thực thi FTA để khẩn trương triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các thị trường nước ngoài trong năm 2020 và các năm tiếp theo, trong đó có thể sử dụng hình thức tổ chức trực tuyến phù hợp với tình hình dịch bệnh. Tổ chức hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất nông sản, thủy sản tập trung với địa phương có cửa khẩu xuất khẩu nhằm đẩy mạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ ngoài nước. Tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác mở cửa thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng Việt Nam và các thị trường có nhu cầu.

 

Công tác triển khai các hình thức xúc tiến thương mại, đặc biệt là các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản; từng bước mở rộng sang các thị trường khác theo diễn biến của tình hình dịch bệnh.

 

Bộ Công Thương cũng hướng xây dựng nội dung hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp về các loại chứng nhận cần thiết cho sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các khu vực thị trường để khai thác tốt các cơ hội thị trường như EU, Hoa Kỳ ...

 

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chú trọng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về phòng vệ thương mại, gồm cả văn bản thực thi các cam kết về phòng vệ thương mại trong các FTA đã ký kết; triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong nước, tận dụng tốt các qui định quốc tế về chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ, đăng ký bản quyền, thương hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam.

 

Thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, thương mại điện tử

 

Quyết định cũng đề cập đến việc rà soát, cập nhật để hoàn thiện và trình ban hành Đề án Chiến lược phát triển thương mại nội địa giai đoạn đến năm 2025, trong đó xác định các trọng tâm chiến lược để tập trung thu hút đầu tư, củng cố hệ thống hạ tầng thương mại, đổi mới phương thức kinh doanh ở thị trường trong nước.

 

Trên cơ sở đó, khẩn trương hoàn thiện nội dung Đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản" để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành và tổ chức triển khai thực hiện. Tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại, trọng tâm là các chợ đầu mối, trung tâm logistics ở các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn và hệ thống hạ tầng thương mại cho khu vực nông thôn. Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

 

Riêng đối với phát triển thương mại điện tử và hệ sinh thái kinh tế số, hỗ trợ hoạt động kinh doanh trên nền tảng công nghệ số, cần chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai ngay kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

 

Bộ Công Thương nêu cụ thể, cần tập trung xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ - CP về thương mại điện tử, trong đó lưu ý các chế tài đối với các hành vi gian lận thương mại trên môi trường internet. Rà soát, xây dựng để hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy triển thương mại điện tử theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số. “Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ hoạt động sản xuất trong nước để mở rộng mạng lưới phân phối trong nước và xuất khẩu. Thúc đẩy các mô hình dịch vụ, ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới, phù hợp với các yêu cầu thực tiễn và các cam kết hội nhập” - lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu.

 

Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp

 

Cơ cấu lại ngành công nghiệp cũng được Bộ Công Thương coi là nhiệm vụ trọng tâm, Kế hoạch hành động của ngành Công Thương cũng đánh giá lại tình hình tác động của dịch Covid - 19 để điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ trong khuôn khổ Đề án tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp theo Quyết định số 598/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để triển khai ngay trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Tiếp đó, cần triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55 NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 để tổ chức triển khai thực hiện.

 

Đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt; bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng quốc gia và phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới. Hoàn thiện các cơ chế chính sách trong lĩnh vực điện lực và năng lượng tái tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển các dự án điện, qua đó góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Tiếp tục rà soát, đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid - 19. Xây dựng Báo cáo đánh giá tác động, xu hướng chuyển dịch đầu tư và đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm thu hút có hiệu quả luồng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời xử lý tốt vấn đề M & A trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

 

Ngoài ra, tiến tới xây dựng và triển khai Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp chế tạo đến năm 2030. Bên cạnh đó, đề xuất các biện pháp nhằm đa dạng hóa nguồn cung và thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng phương án, kịch bản để chủ động, sẵn sàng ứng phó kịp thời với tình huống tương tự có thể xảy ra trong tương lai để ổn định sản xuất, đặc biệt các ngành sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, sử dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày, điện tử...

 

Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hành động nhằm tăng cường áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, phương thức quản lý sản xuất hiện đại vào sản xuất công nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; ứng dụng vận hành nhà máy thông minh trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ trực tuyến trong chỉ đạo điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Hướng tới triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả Chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Nghiên cứu, đề xuất chính sách, biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm của các ngành công nghiệp trong nước nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, sung một số điều của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ và xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định này.

 

Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ, biện pháp, giải pháp cụ thể tại Chương trình hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục thúc đẩy công nghiệp, thương mại giai đoạn mới phòng chống dịch Covid 19.

 

Bên cạnh đó, Bộ thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ triển khai thực hiện; bám sát cơ sở, tăng cường làm việc với các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan để kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống phát sinh.

 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng giao nhiệm vụ cho Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, thường xuyên, liên tục; Các doanh nghiệp thuộc Bộ, Thương vụ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nhiệm vụ và yêu cầu công tác đề ra trong Kế hoạch hành động này, kết hợp với nhiệm vụ của đơn vị mình xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp.

 

Các đơn vị thực hiện chế độ báo cáo hàng quý về tình hình và kết quả triển khai thực hiện, trước ngày 25 các tháng cuối quý, gửi Vụ Kế hoạch để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ. Đồng thời phải chủ động triển khai thực hiện hoặc để xuất kịp thời với lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp mới nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu, yêu cầu của Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang