Thứ Sáu, 22/11/2024 12:51:07 GMT+7
Lượt xem: 9648

Tin đăng lúc 06-09-2017

Bộ Công Thương đẩy mạnh rà soát điều kiện kinh doanh

Ngày 5/9/2017, tại trụ sở Bộ Công Thương, đã diễn ra cuộc họp Rà soát điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực Công Thương dưới dự chủ trì của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Bộ Công Thương đẩy mạnh rà soát điều kiện kinh doanh
Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh

Theo báo cáo của Tổ công tác đặc biệt của Bộ, trên cơ sở báo cáo nghiên cứu của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đến tháng 8/2017, Tổ đã rà soát xong cơ bản các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực công thương cập nhật đến tháng 8/2017 để đề xuất các phương án đơn giản hóa hoặc cắt giảm.

 

Theo đó, Bộ đang quản lý 26 nhóm ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bao gồm: kinh doanh xăng dầu; kinh doanh khí; sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG); giám định thương mại; kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy); kinh doanh tiền chất thuốc nổ; kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; điều kiện kinh doanh dịch vụ nổ mìn; kinh doanh hóa chất trừ hóa chất bị cấm theo Công ước quốc tế về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học; kinh doanh rượu; kinh doanh sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, máy móc, thiết bị thuộc chuyên ngành thuốc lá; kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương; hoạt động sở giao dịch hàng hóa; hoạt động phát điện, truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu điện, tư vấn chuyên ngành điện lực; xuất khẩu gạo; kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt; kinh doanh tạm nhập, tái xuất hành thực phẩm đông lạnh; kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa đã qua sử dụng; nhượng quyền thương mại; kinh doanh dịch vụ logistic; kinh doanh khoáng sản; kinh doanh tiền chất công nghiệp; hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến hoạt động mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp; hoạt động thương mại điện tử; hoạt động dầu khí; kiểm toán năng lượng; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô.

 

Ngoài ra, còn có ngành nghề được gộp với các lĩnh vực khác gồm kinh doanh phân bón; kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo; kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường... thuộc lĩnh vực quản lý cụ thể của 12 vụ, cục trực thuộc Bộ Công Thương.

 

26 ngành, nghề nêu trên được quy định tại nhiều luật như: Luật Thương mại; Luật Hóa chất; Luật An toàn thực phẩm năm 2010; Luật Điện lực năm 2004; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Dầu khí 2008...; các Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12; Pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13; và hơn 15 nghị định Chính phủ.

 

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Bộ Công Thương là một bộ kinh tế đa ngành có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nỗ lực sửa đổi, đơn giản hóa, cắt bỏ thủ tục, điều kiện kinh doanh được cho là "rào cản" của sự phát triển, nhưng theo rà soát của VCCI thì số điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ vẫn còn lớn. Do đó, cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc rà soát nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp hoạt động.

 

Kết quả rà soát của VCCI, CIEM dù cách tiếp cận khác nhau nhưng đều có chung một mục đích là chỉ ra những "rào cản" phát triển kinh doanh.

 

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân- Vụ trưởng Vụ Pháp chế - thành viên của Tổ công tác đặc biệt cho biết, theo công bố chi tiết tới từng "gạch đầu dòng" của VCCI, Bộ Công Thương còn tới hơn 1.200 điều kiện, thủ tục kinh doanh. Đơn vị này cũng đề xuất loại bỏ gần 200 điều kiện kinh doanh trong một số ngành như khí, gạo, rượu; tạm nhập tái xuất hàng đông lạnh; thực phẩm; logistics.

 

Còn theo rà soát công bố của CIEM, số điều kiện thủ tục cũng tương đương nhưng lại chia theo nhóm ngành như tài chính, địa điểm, nguồn nhân lực, quy hoạch, quy mô, phương thức kinh doanh... CIEM cũng đề xuất bỏ điều kiện trong cả nhóm ngành tương đương với khoảng 600 điều kiện.

 

Ngay sau khi số liệu được công bố, Tổ công tác đã nghiên cứu kỹ lưỡng, chủ động làm việc với VCCI để tham khảo thêm, chuẩn bị cho việc cắt giảm.  

 

Cũng theo ông Tân, không phải đến khi có công bố của 2 cơ quan trên, Bộ Công Thương mới thực hiện rà soát mà đã làm thường xuyên hàng năm. Đặc biệt, trong năm 2016 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nghị định quan trọng và công việc này vẫn đang được tiến hành quyết liệt có lộ trình cụ thể theo chỉ đạo của Bộ trưởng về cải cách hành chính. Điều kiện thì nhiều nhưng trên thực tế, Bộ chỉ quản lý cấp phép theo giấy là 82 giấy phép.

 

Tuy nhiên, trong thời gian tới, Tổ công tác cũng sẽ xây dựng kế hoạch, tăng cường phối hợp để rà soát loại bỏ những điều kiện không cần thiết, hoặc đơn giản hóa các điều kiện ở tất cả 26 lĩnh vực ngành nghề thuộc quyền quản lý của Bộ. Chỉ giữ lại những điều kiện cần thiết phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, đáp ứng lợi ích của doanh nghiệp, người dân và đảm bảo các quy định của pháp luật, an ninh quốc gia. Kết quả của đợt rà soát điều kiện sẽ được công bố công khai.

 

Ông Nguyễn Duy Hưng- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đề nghị, đối với những điều kiện không cần thiết sẽ xem xét loại bỏ sớm, còn những điều kiện thuộc lĩnh vực chuyên môn, còn nhiều ý kiến sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Đối với một số điều kiện mà quy định thành quy chuẩn, tiêu chuẩn sẽ giảm bớt đi rất nhiều. Có một số điều kiện liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài cần tách bạch rõ ràng, báo cáo với Chính phủ vì có liên quan đến đàm phán quốc tế.

 

Đại diện Vụ Khoa học Công nghệ cho biết, chỉ riêng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm có tới 350 điều kiện nhưng cần phân loại rõ đâu là điều kiện kinh doanh, đâu là thủ tục. Bên cạnh đó có nhiều điều kiện không phải là điều kiện kinh doanh mà là điều kiện đáp ứng an toàn thực phẩm..

 

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các báo cáo của VCCI, CIEM rất hữu ích. Đây cũng là dịp để các đơn vị có liên quan soi lại mình, đổi mới tư duy tiếp cận, phù hợp với tinh thần Chính phủ kiến tạo vì người dân, doanh nghiệp. Và mục đích cuối cùng là  lợi ích của xã hội.

 

Bộ trưởng cũng cho rằng, việc rà soát đánh giá cần làm đồng bộ, chứ không sửa mỗi thứ  1 ít. Việc sửa đổi, đơn giản hóa, loại bỏ các điều kiện kinh doanh có thể kéo theo sửa đổi nhiều văn bản luật nhưng vẫn quyết tâm thực hiện trên quan điểm là xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

 

Trên cơ sở này, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị cần chủ động rà soát, đề xuất và gửi báo cáo tổng hợp vào ngày 15/9. 

 

Nguồn Báo Công Thương

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang