Giải pháp kịp thời
Năm 2016, tình hình XK gạo của nước ta khá ảm đạm khi kim ngạch chỉ đạt 4,88 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 25,8% về khối lượng và 21,2% về giá trị so với năm 2015. Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, năm 2017, thị trường gạo sẽ sôi động hơn do nhu cầu cao từ châu Á và Trung Đông. Ấn Độ dự kiến là nước XK gạo lớn nhất thế giới; XK của Thái Lan sẽ hồi phục và XK gạo của Việt Nam sẽ khởi sắc, dù ít có khả năng đạt được mức như những năm trước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, năm 2017 và những năm tiếp theo, dù tình hình khả quan hơn nhưng XK gạo vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn do dư thừa nguồn cung, người mua sẽ quyết định thị trường thay vì người bán như những năm trước đây. Do đó, bắt buộc phải nâng cao sức cạnh tranh cho DN XK.
Người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho XK gạo đã được Bộ Công Thương đề ra. Cụ thể, ngay những ngày đầu năm 2017, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và được chấp thuận bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh XK gạo. Bộ cũng đồng thời thành lập ban soạn thảo sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP theo hướng mở rộng cơ hội kinh doanh, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận thị trường và khai thác các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao hiệu quả XK gạo.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tổ chức đánh giá để định hướng lại công tác phát triển thị trường, tìm ra điểm mạnh và hạn chế của DN khi cạnh tranh với các đối thủ XK gạo khác. Các hoạt động xúc tiến thương mại gạo, tháo gỡ khó khăn về hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật… cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong năm 2017.
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu
Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đang tập trung cho công tác xây dựng thương hiệu gạo. Để làm được việc này, trước tiên, Bộ đang khuyến khích DN đẩy mạnh sản xuất theo hướng bảo đảm chất lượng sản phẩm vì nếu không có chất lượng sẽ không đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường, không phát triển được thương hiệu. Các DN được khuyến khích tập trung phát triển nhóm sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng gạo trắng, hạt dài, gạo chất lượng cao (5-10% tấm), giảm tỷ trọng gạo trên 15% tấm; tăng tỷ trọng các loại gạo thơm, gạo đồ, gạo Japonica, gạo hữu cơ; đa dạng các sản phẩm chế biến từ gạo, trong đó có gạo dinh dưỡng, bột gạo để tiêu thụ tại các thị trường cao cấp như châu Âu, Bắc Mỹ…
Bộ Công Thương cũng tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy DN và người sản xuất hình thành những vùng sản xuất lớn, xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ gạo và hệ thống logistics để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm; nghiên cứu, xây dựng quy hoạch các vùng canh tác gạo với những sản phẩm phù hợp với từng thị trường, có biện pháp cụ thể để ổn định về chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
"Năm 2017 sẽ có sự đổi mới thật sự mạnh mẽ cả về quan điểm, chủ trương và thể chế để hình thành các vùng sản xuất lớn nhằm phục vụ cho việc cơ giới hóa, tự động hóa và đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo tiền đề xây dựng thành công thương hiệu gạo" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu, tỷ lệ gạo mang thương hiệu Việt Nam được XK trực tiếp vào các thị trường sẽ đạt 20% vào năm 2020 và đạt 50% vào năm 2030. |
Nguồn Báo Công Thương