3 nhiệm vụ trọng tâm
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020.
Hiệp định RCEP là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất hiện nay Việt Nam tham gia. RCEP bao phủ 30% dân số thế giới, và chiếm 32% GDP toàn cầu. Sau khi ký kết, Hiệp định hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam và giúp Việt Nam có thể kết nối tốt hơn chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu so với các FTA khác.
Bộ Công Thương cho biết, để thực thi Hiệp định RCEP, Việt Nam đã ban hành các Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP ở cấp Chính phủ (Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 4 tháng 1 năm 2022) cũng như triển khai các chương trình, kế hoạch hành động ở cấp Bộ, ngành, địa phương với 3 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế; công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin; công tác nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP.
Theo đó, nhằm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tại Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP giai đoạn 2022-2026, Bộ Công Thương tập trung triển khai 3 nhiệm vụ chính gồm xây dựng pháp luật, thể chế; tuyên truyền, phổ biến thông tin và nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP.
Cụ thể, theo Kế hoạch, Bộ Công Thương triển khai xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực hiện Hiệp định RCEP; tiếp tục thực hiện rà soát pháp luật trong nước trong quá trình thực hiện Hiệp định RCEP nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật khác để phù hợp với yêu cầu của Hiệp định.
Ngoài ra, Bộ xây dựng và vận hành các đầu mối triển khai các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương để thực hiện và tham gia Hiệp định RCEP. Đồng thời, Bộ Công Thương phối hợp với các nước thành viên Hiệp định RCEP để xây dựng, hoàn thiện các thiết chế cần thiết để thực hiện hiệp định.
Đối với tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP, Bộ Công Thương xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, tập trung vào việc phổ biến, giới thiệu nội dung Hiệp định RCEP. Trong đó, Bộ tập trung triển khai hoạt động tuyên truyền chuyên sâu, chú trọng các khóa tập huấn, đào tạo kiến thức, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu, phân tích tổng thể và chi tiết các cam kết của Hiệp định RCEP trong một số lĩnh vực, ngành hàng cụ thể cho các hiệp hội, doanh nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể, ngành hàng cụ thể…
Đồng thời, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP, Bộ Công Thương đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai các phương án/đề án/chương trình hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cho các ngành hàng, dịch vụ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, Bộ xây dựng các chương trình phát triển thị trường cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng và lợi thế của Việt Nam vào thị trường các nước thành viên Hiệp định RCEP; xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại tại các nước thành viên Hiệp định RCEP; chú trọng nâng cao năng lực cung cấp thông tin của các đơn vị trong Bộ Công Thương, đặc biệt là hệ thống Thương vụ, Trung tâm thông tin, Trung tâm xúc tiến thương mại, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cung cấp thông tin hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, theo Kế hoạch, Bộ Công Thương chú trọng nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp thông qua các hiệp hội doanh nghiệp nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Định hướng cho các hiệp hội đổi mới văn hóa sản xuất, khởi nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của các nước RCEP.
Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, việc triển khai, thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã thể hiện rõ vai trò là cơ quan đầu mối thực thi các FTA của Bộ Công Thương, trong đó có RCEP. Đặc biệt, ngoài các hoạt động tuyên truyền sâu rộng về các cam kết của hiệp định, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao hoạt động hỗ trợ về thị trường, tháo gỡ các vướng mắc trong sản xuất, xuất khẩu cho doanh nghiệp của Bộ Công Thương.
Quy tắc xuất xứ được nới lỏng
Cho đến nay, Hiệp định RCEP mang lại lợi ích cho nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là dệt may và nông thủy sản khi xuất khẩu đến một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.
Theo đó, quy tắc xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định RCEP được thể hiện ở Chương 3. Thực hiện cam kết quốc tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa để thực thi Hiệp định RCEP. Thông tư gồm 4 chương, 32 điều. Chương 1 quy định chung; chương 2 cách xác định xuất xứ hàng hóa; chương 3 chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa và chương 4 điều khoản thi hành.
Thông tư quy định các nội dung về quy tắc xuất xứ hàng hóa bao gồm các trường hợp xác định hàng hóa được coi là có xuất xứ, cộng gộp, tỷ lệ không đáng kể nguyên liệu không trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa nhưng vẫn được coi là có xuất xứ (De Minimis), công đoạn gia công chế biến đơn giản, vận chuyển trực tiếp, cơ chế kiểm tra và chứng nhận xuất xứ hàng hóa…
Nội dung của các điều khoản trong quy tắc xuất xứ hàng hóa của Hiệp định RCEP nhìn chung không có sự khác biệt so với Hiệp định ATIGA và một số Hiệp định ASEAN+1 mà Việt Nam là thành viên. Hàng hóa có xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định RCEP khi có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) được cấp theo quy định tại thông tư này. Cùng với đó, hàng hóa có xuất xứ của các nước thành viên nhập khẩu vào Việt Nam được xem xét cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định RCEP khi nộp C/O hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà xuất khẩu đủ điều kiện phát hành.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) nhận định, lợi thế lớn nhất mà chúng ta nhìn thấy trực tiếp đó chính là câu chuyện về hài hoà quy tắc xuất xứ để chúng ta có thể tận dụng ở RCEP, cũng như sự cộng hưởng RCEP và các FTA khác mà Việt Nam đang có. Có thể nói ở trong khu vực này Việt Nam là "quán quân" về các FTA. Vì thế nó là một cơ hội, là một động lực rất tốt để chúng ta có thể thu hút đầu tư FDI, đấy chính là thế mạnh.
Tuy nhiên, từ góc độ đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Tô Hoài Nam cho rằng, RCEP tạo ra môi trường thông thoáng hơn so với các FTA mà Việt Nam đã tham gia, nhưng cùng với đó cũng đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về xuất nhập khẩu, cũng như các giao dịch thương mại. Trong khi đó, năng lực của doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất nhiều hạn chế. “Vì thế, ngoài sự nỗ lực, chủ động nắm bắt các quy định để vận dụng hiệu quả Hiệp định, thiết nghĩ các Bộ ngành, nhất là Bộ Công Thương cần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết, ưu đãi của RCEP trong thực tiễn”- ông Nam kiến nghị.
Theo Congthuong.vn