Tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và tỉnh Lâm Đồng sáng 5.4, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp đang chiếm 45%, dịch vụ 37%, công nghiệp xây dựng 18%. Hiện nay, nông nghiệp của Lâm Đồng được đánh giá đứng đầu cả nước.
Năm 2018, dù khó khăn nhưng Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu nông sản đạt 44 tỉ USD. Trong đó, Lâm Đồng là địa phương có thành phần nông sản xuất khẩu đứng đầu cả nước. Trong đó, caphê đạt 530.000 tấn, tổng giá trị xuất khẩu đạt 170 triệu USD, tổng giá trị xuất khẩu của chè 28 triệu USD, rau 30 triệu USD, hạt điều 26 triệu USD… Tuy nhiên, ông S cho rằng, tỉ lệ nông sản với tổng giá trị sản lượng vẫn thấp, chỉ 18-20%.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, để phát huy được lợi thế nông sản chất lượng cao của Lâm Đồng thì Lâm Đồng phải là một trong những trung tâm tổ chức hội nghị kết nối cung cầu với các vùng tiêu thụ lớn trong cả nước.
Nói về sự hỗ trợ của Bộ Công Thương với tỉnh, ông Đông cho biết, trong chuyến thăm của Thủ tướng tới Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký thỏa thuận với Chủ tịch Tập đoàn Aeon, doanh nghiệp này sẽ mua hàng của Việt Nam với số lượng là 500 triệu USD/năm. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Lâm Đồng đưa tuần lễ hàng Đà Lạt vào Aeon.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cũng cho rằng, với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Đà Lạt phải xây dựng được chợ đầu mối mang tiêu chuẩn hiện đại để từ đây nguồn hàng nông sản sạch của Đà Lạt đi cả nước. Vụ Thị trường trong nước cho biết sẽ làm việc với Hiệp hội chợ đầu mối quốc tế để hỗ trợ Đà Lạt xây dựng chợ đầu mối đạt chuẩn.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ nghị định về các sàn giao dịch hàng hóa. Theo đó, sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam sẽ kết nối với các sàn giao dịch hàng hóa trên thế giới.
“Đây là phương thức chúng tôi sẽ hỗ trợ Đà Lạt để đẩy mạnh bán hàng, giao dịch nông sản, rau quả trên các sàn giao dịch thế giới”, ông Đông cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao tiềm năng phát triển nông sản của tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là nông nghiệp áp dụng công nghệ cao.
Bộ trưởng nhấn mạnh, khâu thị trường là khâu then chốt. Để phát triển được thị trường và sự chủ động trong sản xuất cho sản phẩm đặc thù, địa phương cần phải có sự đa dạng hơn nữa trong tiếp cận thị trường.
Với những lợi thế về nông nghiệp, Lâm Đồng phải tính đến các hoạt động giao dịch quốc tế, không chỉ dừng lại ở trong nước.
“Địa phương phải tính đến tương lai lớn để Lâm Đồng không chỉ dừng lại là trung tâm cung ứng hoa và các sản phẩm rau quả, trái cây cho cả nước mà phải trở thành thủ phủ của khu vực và thế giới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Nguồn Lao động