Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vững
Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 157,3 tỷ USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 81,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hầu hết các mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Trong đó, có thể kể đến những mặt hàng có chỉ số kim ngạch cao như:
Một là, mặt hàng máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại. Trong 11 tháng năm 2017, máy tính, linh kiện điện tử và điện thoại là hai mặt hàng có đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu (tăng khoảng 16 tỷ USD so với 11 tháng 2016). Riêng điện thoại các loại và linh kiện đạt 41,29 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng tuyệt đối 9,7 tỷ USD. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 23,6 tỷ USD, tăng 38,1% so với cùng kỳ, tương đương mức tăng tuyệt đối 6,5 tỷ USD.
Hai là, nhóm sản phẩm dệt, may. Xuất khẩu hàng dệt, may 11 tháng năm 2017 ước đạt 23,6 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Xuất khẩu xơ sợi là điểm sáng trong xuất khẩu hàng dệt may với mức tăng trưởng mạnh 21,7% so với cùng kỳ năm trước (kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD).
Ba là, các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Cũng trong 11 tháng năm 2017, xuất khẩu gỗ ước đạt 6,9 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ 2016.
Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, nhập khẩu được kiểm soát, cán cân thương mại đạt mức thặng dư khá lớn. Chỉ tính riêng tháng 11/2017, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 200 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất siêu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017 lên mức 2,76 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Thương mại nội địa phát triển
Cùng với lĩnh vực xuất nhập khẩu, thời gian qua, hoạt động thương mại nội địa cũng là một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam. Trong 11 tháng năm 2017, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2016. Điều này cho thấy tiềm năng của thị trường nội địa đang chiếm niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam là rất lớn. Do vậy, năm 2018, Bộ Công Thương sẽ tập trung nhiều hơn các hoạt động tại thị trường trong nước. Đặc biệt, để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh thương mại nội địa, Bộ Công Thương xác định, trước tiên, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, phí... Trong đó, muốn giá thành hàng hóa nội địa hạ thấp, tăng lượng hàng hóa lưu thông, phải giúp cho các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả với hàng hóa nhập khẩu. Qua đó, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất hàng hóa.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được quan tâm, đẩy mạnh
Theo các chuyên gia, những kết quả trong hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại 11 tháng năm 2017 cho thấy, rất nhiều yêu cầu cần phải đạt được trong việc tái cơ cấu công nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, nhất là phải gắn với công nghệ của cuộc CMCN lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
Ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) khẳng định, đây là nội dung quan trọng được Bộ triển khai thực hiện và tập trung lấy ý kiến rộng rãi trong năm 2017. Trong 8 nhóm nội dung mà Bộ đưa ra, thì có ít nhất 2 nội dung liên quan đến câu chuyện mà chúng ta tham gia vào cuộc CMCN 4.0 cho có hiệu quả. Đó là làm sao áp dụng được khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng trong các ngành công nghiệp cụ thể. Đây vừa là áp lực, vừa là cơ hội chính để có thể bứt phá được trong phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực hiệu quả, đẩy nhanh được quá trình tái cơ cấu thông qua cuộc CMCN 4.0 lần này. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây là thách thức, gây áp lực rất lớn. Tuy nhiên, đây cũng là động lực để chúng ta đổi mới và là cơ hội rất tốt để có thể rút ngắn được khoảng cách trong phát triển công nghiệp so với các quốc gia trong khu vực, quốc tế.
Thời gian tới, Bộ khẳng định sẽ tích cực tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty trong các lĩnh vực trọng điểm của nền kinh tế nhằm khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả SXKD trong các lĩnh vực lớn như sản xuất đồ uống, hóa chất, điện lực, than, khoáng sản, dầu khí… Đây vừa là giải pháp mang tính trước mắt, nhằm tiết giảm chi phí quản trị, nâng cao hiệu quả trong SXKD, vừa là giải pháp mang tính lâu dài để đảm bảo sự phát triển, phục vụ cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong những năm tiếp theo.
Nguyễn Hoa (tổng hợp)