Ưu đãi thuế phí ô tô trong nước, kiểm soát nhập khẩu
Theo Bộ Công Thương, thời gian vừa qua Chính phủ đã ban hành một số chính sách quan trọng để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong đó có Nghị định số 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô nhằm đảm bảo các điều kiện về môi trường, quyền lợi cho người tiêu dùng và đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp nhập khẩu với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.
Tuy nhiên, để tiếp tục có các giải pháp phát triển ngành ô tô trong nước trong tới, giảm bớt tình trạng nhập siêu ô tô, Bộ Công Thương cho rằng, cần có thêm các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp cắt giảm giá thành sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm như việc điều chỉnh lại các chính sách thuế phí, phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Bộ Công Thương cũng cho rằng, đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công mới đây là có cơ sở.
Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung như đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công.
Cụ thể như miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô. Điều này giúp giảm giá xe “made in Việt Nam”, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước.
Đồng thời đề xuất miễn thuế nhập nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam cùng với cam kết của doanh nghiệp về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ. Bộ này cũng kiến nghị việc áp dụng bảo lãnh thanh toán thuế thời hạn 8 tháng thay vì 30 ngày như hiện hành.
Nghị định 116 để siết ô tô nhập chỉ là “giải pháp ngắn hạn”
Trước đó, đã có nhiều lần Bộ Công Thương đưa kiến nghị về việc ưu đãi cho công nghiệp ô tô trong nước nhằm hỗ trợ ngành này phát triển, đồng thời kiểm soát ô tô nhập khẩu.
Liên quan tới đề xuất không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước đối với ô tô lắp ráp trong nước, trước đó Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến về vấn đề này. Cụ thể, Bộ cho rằng đề xuất này là chưa phù hợp với các quy tắc của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới).
Tuy nhiên, trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiến nghị về việc ưu đãi công nghiệp ô tô trong nước, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thành Công Lê Ngọc Đức lại cho rằng, đây là biện pháp đã được các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia… hay Ấn Độ áp dụng từ khá lâu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hoá của sản phẩm.
“Hiện tại tỷ lệ nội địa hoá các sản phẩm ô tô Việt Nam ngoại trừ các xe tải dưới 7 tấn và xe khách từ 25 chỗ trở lên thì còn khá thấp. Với thực trạng đó rất khó để các sản phẩm sản xuất, lắp ráp trong nước có thể xuất khẩu sang các thị trường lân cận”, ông Lê Ngọc Đức cho biết. Vị này cho rằng, tình trạng này cần được cải thiện bằng các chính sách hỗ trợ của các bộ ban ngành nếu muốn ngành công nghiệp ô tô Việt Nam hội nhập được xu hướng phát triển toàn cầu.
Trong khi đó, đối với kiến nghị miễn, giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam cùng các cam kết của doanh nghiệp về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ, ông Lê Ngọc Đức cho rằng điều này “sẽ giúp các hãng xe tự tin để đầu tư sâu, rộng tại Việt Nam và xuất khẩu trong tương lai gần”.
Đáng lưu ý, trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu xe đang “lao đao” vì những quy định của Nghị định 116 thì đại diện Tập đoàn Thành Công cho rằng, các giấy tờ thủ tục như giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, các loại giấy chứng nhận kiểu loại ô tô, phiếu xuất xưởng hay các tài liệu đánh giá chất lượng nhà xưởng sẽ chỉ “các giải pháp ngắn hạn”.
“Về dài hạn khi các quy trình phối hợp giữa nhà nhập khẩu và hãng xe nước ngoài được thống nhất, sẽ không có nhiều khó khăn đáng kể để đưa các sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam. Từ đó xu hướng nhập khẩu xe nguyên chiếc về Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao và đối với thị hiếu người Việt rất ưa chuộng sản phẩm có nguồn gốc nhập khẩu thì đây sẽ là thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất lắp ráp trong nước”, ông Lê Ngọc Đức bày tỏ lo lắng.
Trong khi đó, về phía Bộ Công Thương, cơ quan này cũng liên tục cảnh báo nếu không được chấp thuận thêm các ưu đãi nói trên, ngành ô tô Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được với ô tô nhập khẩu.
Nguồn Kinh tế Đô thị