Giải quyết khó khăn về lĩnh vực điện lực
Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Sáu- Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Sóc Trăng dự kiến tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2018 và Lễ phát động khởi nghiệp vào khoảng thời gian từ ngày 20 đến 29/4/2018. Hội nghị dự kiến sẽ có quy mô khoảng 500 đại biểu và là sự kiện đặc biệt quan trọng với tỉnh Sóc Trăng.
Để giúp tỉnh Sóc Trăng chuẩn bị chu đáo tổ chức tốt hội nghị này, tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ thực hiện một số hạng mục công việc, trong đó đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực năng lượng.
Ông Phan Văn Sáu đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ cho Sóc Trăng về các lĩnh vực điện lực, nông sản
Cụ thể, ông Phan Văn Sáu đề nghị Bộ Công Thương xem xét, tháo gỡ một số khó khăn về quy hoạch phát triển điện gió, điện mặt trời để tỉnh kịp ký kết với các nhà đầu tư tại hội nghị. Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng được Bộ Công Thương phê duyệt, đến năm 2020 sẽ phát triển các dự án điện gió tại 13 vị trí với diện tích khảo sát 27.800ha, quy mô công suất tiềm năng 1.155 MW (quy mô công suất phát là 200 MW). UBND tỉnh Sóc Trăng đã xúc tiến kêu gọi và cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho các dự án điện gió theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, phù hợp với Quy hoạch phát triển điện gió được Bộ Công Thương phê duyệt. Tính đến nay, đã có 19 nhà đầu tư đăng ký, tiếp cận, khảo sát và lập dự án tại các vị trí quy hoạch phát triển điện gió của tỉnh. Trong đó, đã có 2 nhà đầu tư được cấp Quyết định chủ trương đầu tư (với tổng công suất 55 MW). Các nhà đầu tư còn lại đã hoàn chỉnh, nộp hồ sơ đề nghị cấp Quyết định chủ trương đầu tư các dự án điện gió với tổng công suất 243 MW; nâng tổng công suất phát dự kiến đến năm 2020 là 298 MW và dự kiến phát triển mở rộng sau năm 2020 lũy kế tăng thêm khoảng 600 MW.
“Vì vậy, tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương đồng ý để UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét, cấp Quyết định chủ trương đầu tư các dự án điện gió theo tiến độ thực tế trong giai đoạn đến năm 2020 với quy mô công suất phát triển dự án khoảng 298 MW. Đồng thời cho phép tỉnh lập hồ sơ điều chỉnh, bổ sung danh mục công suất phát triển dự án từ 200 MW lên 298 MW giai đoạn đến năm 2020 và dự kiến phát triển mở rộng sau năm 2020 lũy kế tăng thêm khoảng 600 MW vào Quy hoạch phát triển lực tỉnh hoặc Quy hoạch điện VII cho phù hợp với tiến độ thực tế đầu tư các dự án” - ông Phan Văn Sáu đề nghị.
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tạo điều kiện thuận lợi, xúc tiến ký kết hợp đồng mua bán điện với các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời sau khi được tỉnh Sóc Trăng cấp Quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời triển khai xây dựng đường dây 110kV Trần Đề - Sóc Trăng 2 và đường dây 110kV Bạc Liêu – Vĩnh Châu theo Quy hoạch được duyệt để tiếp nhận, truyền tải điện từ các nhà máy điện gió của tỉnh phát lên hệ thống lưới điện quốc gia.
Song song với lĩnh vực điện năng, tỉnh Sóc Trăng cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ Công Thương trong việc mời gọi, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh như nuôi trồng và chế biến nông lâm thủy sản; xuất khẩu nông sản…
Hỗ trợ tối đa cho địa phương
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết sẽ hỗ trợ tối đa cho tỉnh Sóc Trăng
Hoan nghênh sự chủ động của địa phương trong việc phối hợp với Bộ Công Thương triển khai những hoạt động liên quan mật thiết đến vai trò quản lý nhà nước của Bộ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ phối hợp và hỗ trợ tích cực cho địa phương để hoàn thành tốt nhất các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư và Lễ phát động khởi nghiệp sắp tới.
Cụ thể, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao cho Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp với địa phương, đôn đốc để hoàn chỉnh hồ sơ, cập nhật và hoàn thiện quy hoạch điện lực của tỉnh, đặc biệt là điện gió và mặt trời. Chú trọng đến việc khai thác các nguồn lực để phát triển bền vững, phát huy thế mạnh. Lưu ý việc hỗ trợ địa phương trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo lớn trong khu vực. Bên cạnh đó, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng có trách nhiệm phối hợp với EVN và địa phương thu hút nguồn lực vào các dự án và công trình cấp bách về nguồn, lưới điện để đảm bảo cùng địa phương xóa các hộ điện câu đuôi, hoàn chỉnh hệ thống cấp điện… Đặc biệt quan tâm đến nguồn điện phục vụ cho sản xuất và nuôi trồng thủy sản.
Hai đơn vị của Bộ là Cục Xúc tiến thương mại và Cục Xuất nhập khẩu được giao nhiệm vụ tính toán và có định hướng dài hạn để hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ cho các mặt hàng nông sản thế mạnh của Sóc Trăng như gạo, thủy sản… “Không nói chung chung, Cục Xúc tiến thương mại cần khẩn trương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu để hỗ trợ xây dựng các chuỗi sản xuất những mặt hàng có thế mạnh của Sóc Trăng gắn với việc phát triển các thị trường, nhất là các thị trường mới và thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt, hỗ trợ mạnh cho các DN xây dựng thương hiệu trong trung, dài hạn, phát triển bền vững và tạo giá trị gia tăng ổn định” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ Công Thương tặng quà lưu niệm cho tỉnh Sóc Trăng
Đặc biệt, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng lưu ý về những chỉ số ảnh hưởng trực tiếp đến sự hấp dẫn của môi trường đầu tư tỉnh Sóc Trăng. Cụ thể, qua theo dõi 5 năm gần đây, các chỉ số Sóc Trăng bị đánh giá thấp là: tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động… Do đó Bộ Công Thương đề nghị địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ để rà soát lại các điều kiện hạ tầng của khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đồng thời cải thiện các chỉ số ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của địa phương, để trước mắt là phục vụ tốt nhất hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, về lâu dài để cải thiện môi trường đầu tư địa phương theo hướng hấp dẫn và thu hút hơn.
Nguồn Bộ Công Thương