Thứ Sáu, 22/11/2024 10:37:42 GMT+7
Lượt xem: 2580

Tin đăng lúc 20-07-2018

Bộ Công Thương: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 khóa X

Ngày 20/7/2018, tại Hội trường Bộ Công Thương đã diễn ra Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn của ngành Công Thương. Tham dự có đông đảo đại diện các Bộ, Ban, ngành, UBND, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp trên cả nước. Các đồng chí Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công Thương đã tới dự và chủ trì Hội nghị.
Bộ Công Thương: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 khóa X
Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị do đồng chí Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương trình bày nêu rõ, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân và nông thôn (giai đoạn 2008 – 2017), Bộ Công Thương đã vượt qua những khó khăn, thách thức, đề ra chiến lược phát triển phù hợp và giành được nhiều thành tựu quan trọng.

 

Cụ thể, việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết đã tạo nên sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với sự nghiệp phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển các ngành công nghiệp phục vụ phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn bao gồm: cơ khí, hóa chất, năng lượng, đã góp phần đẩy mạnh quá trình CNH – HĐH trong nông nghiệp, nông thôn. Các chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn tập trung vào các ngành nghề có thế mạnh. Công nghiệp chế biến, nông lâm thủy sản đã tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, trong đó, một số sản phẩm đã từng bước vươn ra thị trường xuất khẩu.

 

Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng và ủng hộ tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai thực hiện. Các hệ thống lưới điện đạt tiêu chuẩn ngành, bảo đảm đủ điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chất lượng điện phục vụ sinh hoạt của dân cư nông thôn từng bước được nâng cao.

 

Phát triển mạng lưới chợ nông thôn đã góp phần phát triển kinh tế xã hội và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đem lại hiệu quả cao hơn so với loại hình tổ chức cũ. Mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp đã đảm bảo ổn định việc tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua các hợp đồng kinh tế. Qua đó, khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”, tạo sự kiên kết trong sản xuất, kinh doanh hàng nông sản - thực phẩm giữa các chủ thể tham gia mô hình, góp phần ngăn chặn hành vi tranh mua, tranh bán…

 

Ngoài ra, các chính sách thương mại, hàng rào kỹ thuật và điều hành XNK ngày càng linh hoạt và hiệu quả, tạo thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu nông sản và bảo vệ sản xuất trong nước. Chính sách giá cả nông sản, nhất là giá lúa đã gắn với đảm bảo lợi ích của người sản xuất nông nghiệp, giải quyết hài hòa lợi ích của nhà sản xuất và người tiêu dùng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Công tác kiểm soát chặt chẽ, xử ý nghiêm hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại hàng nông, lâm, thủy sản ngày càng được quan tâm và phát triển theo hướng phù hợp với luật pháp quốc tế.

 

Đặc biệt, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công được hoàn thiện, giúp công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công được tăng cường và dần đi vào nề nếp. Quy mô cũng như chất lượng các đề án khuyến công từ đó cũng ngày càng được nâng cao và có tác động rất rõ nét đến sự phát triển công nghiệp ở nông thôn. Ngoài ra, những quy định mới về phát triển cụm công nghiệp với hành lang pháp lý, chính sách rõ ràng đã khuyến khích thúc đẩy đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển hiệu quả các cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Phát triển công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp chưa đồng đều giữa các vùng; công tác thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị mới chỉ ở diện hẹp trên một số sản phẩm, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu gắn với thị trường tiêu thụ; việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư ở nông thôn còn khó khăn; đề xuất các đề án khuyến công chưa đa dạng, ít đề án mang tính liên kết vùng, chuỗi liên kết chưa cao, kinh phí thấp, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia vào đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn; vấn đề tiêu thụ sản phẩm tại nông thôn còn nhiều bất cập; đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng nông thôn mới ở các cấp địa phương phần lớn là kiêm nhiệm nên công tác quản lý và sản xuất còn nhiều hạn chế…

 

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo, tập trung hoàn thành các tiêu chí, nội dung ngành Công Thương được phân công theo dõi, thực hiện trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Tận dụng kịp thời những thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tập trung hỗ trợ doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thông; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, phát triển cụm công nghiệp; khuyến khích sản xuất sạch hơn; thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của VN, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp phù hợp để định hướng sản xuất, tổ chức sản xuất các mặt hàng nông sản có lợi thế cạnh tranh…

 

Các đại biểu đại diện các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và nhiều địa phương khác, cùng các doanh nghiệp đã có bài tham luận, đồng thời cũng có trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan.

 

 

Đồng chí Cao Đức Phát - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị

 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Cao Đức Phát – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã ghi nhận và đánh giá cao ngành Công Thương nói chung, Bộ Công Thương nói riêng đã có nhiều đóng góp to lớn vào việc thực hiện Nghị quyết 7 Khóa X của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đó, nổi bật là các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân; thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, khai thác và chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ nông sản, thực phẩm, thủy hải sản; tích cực tham gia vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như hoàn thiện hệ thống điện, quy hoạch chợ dân sinh... Đồng chí cũng cho rằng, Bộ Công Thương cần tiếp tục phát huy vai trò của ngành kinh tế mũi nhọn, đi đầu trong công tác tham mưu, tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân, cả hệ thống chính trị nhận thức được vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua đó, đẩy mạnh tái cơ cấu phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiện đại; Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; xóa đói giảm nghèo; Xây dựng nông thôn gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại và phát triển bền vững…

 

Như Quỳnh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang