Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học New South Wales đã chế tạo được bộ lọc graphene đầu tiên trên thế giới ở quy mô phòng thí nghiệm với khả năng loại bỏ hơn 99% chất hữu cơ tự nhiên phổ biến còn sót lại trong quá trình xử lý nước uống thông thường.
Nhóm nghiên cứu đã chứng minh phương pháp mới thành công trong các thí nghiệm tại lab trên nước đã được lọc tại Nhà máy lọc nước Nepal ở miền Tây Sydney và đang nghiên cứu để mở rộng quy mô công nghệ mới. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Carbon.
TS Rakesh Joshi, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: Đột phá của chúng tôi là sử dụng bộ lọc làm từ graphene, một dạng cacbon cực mỏng. Không có phương pháp lọc nào khác loại bỏ gần 99% chất hữu cơ tự nhiên khỏi nước ở áp suất thấp. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các màng graphene có thể được chuyển đổi thành phương pháp thay thế mới để trong tương lai trang bị cho các nhà máy xử lý nước thải truyền thống.
Nhà máy nước Sydney cung cấp nước sạch cho khoảng 4,8 triệu người dân ở thành phố Sydney, vùng Illawarra và Blue Mountains. Các chất ô nhiễm hữu cơ tự nhiên này gây ảnh hưởng đến hiệu suất của nhà máy lọc nước trực tiếp, làm giảm công suất sau khi mưa nặng hạt.
TS Heriberto Bustamante, một trong các tác giả nghiên cứu cho rằng: Các phương pháp phổ biến nhất hiện nay để khử chất hữu cơ trong các nguồn cung cấp nước, bao gồm sử dụng chất đông tụ hóa học. Tuy nhiên, các phương pháp xử lý hiện nay chỉ hiệu quả phần nào, đặc biệt khi nồng độ của chất hữu cơ tự nhiên gia tăng.
Theo TS Joshi, hệ thống xử lý mới được chế tạo bằng cách chuyển đổi than chì xuất hiện tự nhiên thành các màng oxit graphene cho phép dòng nước dâng lên ở điều kiện áp suất khí quyển, trong khi loại bỏ gần như toàn bộ chất hữu cơ. Nhóm nghiên cứu đang cải tiến thiết bị thử nghiệm để xây dựng nhà máy thí điểm quy mô nhỏ cho thử nghiệm tại hiện trường.
Nguồn Khoahocvacongnghevietnam.com.vn