Thứ Sáu, 22/11/2024 00:11:06 GMT+7
Lượt xem: 4242

Tin đăng lúc 05-10-2015

Bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động

Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, Nghị định bổ sung một số quy định nhằm xử lý vi phạm về tuyển, quản lý lao động, sử dụng lao động...
Bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động
Ảnh minh họa

Về vi phạm tuyển, quản lý lao động, Nghị định mới bổ sung quy định phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây: 1- Không thông báo công khai về nhu cầu tuyển lao động hoặc thông báo ít hơn 05 ngày làm việc trước khi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động hoặc thông báo không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật; 2- Không thông báo công khai kết quả tuyển lao động hoặc thông báo sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả tuyển lao động.

 

Đồng thời, phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: 1- Thu tiền của người lao động tham gia tuyển lao động; 2- Không lập sổ quản lý lao động; lập sổ quản lý lao động không đúng thời hạn, không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật; không ghi chép, nhập đầy đủ thông tin về người lao động vào sổ quản lý lao động khi hợp đồng lao động có hiệu lực; không cập nhật thông tin khi có sự thay đổi vào sổ quản lý lao động.

 

Phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động sẽ bị xử phạt 

 

Hành vi phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

 

Nghị định mới cũng bổ sung xử phạt vi phạm hành chính về phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Theo đó, Nghị định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: 1- Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; 2- Không gia hạn hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động; 3- Kỷ luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với người lao động vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; 4- Quấy rối, ngược đãi, cản trở hoặc từ chối thăng tiến nghề nghiệp cho cán bộ công đoàn; 5- Thông tin không đúng sự thật nhằm hạ thấp uy tín của cán bộ công đoàn đối với người lao động.

 

Mức phạt vi phạm quy định về tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam cũng được Nghị định bổ sung. Cụ thể, hành vi sử dụng người lao động Việt Nam nhưng không báo cáo tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 1- 3 triệu đồng.

 

Nếu sử dụng người lao động Việt Nam mà không thông báo bằng văn bản kèm bản sao hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động Việt Nam cho tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.

 

Theo Báo điện tử Chính phủ

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang