Theo đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính trong đó có xăng, dầu... dự kiến, từ 1/7 thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng một lít từ 3.000 lên 4.000 đồng một lít.
Hai luồng ý kiến trái chiều
Theo ý kiến một số chuyên gia, việc điều chỉnh này không chỉ ảnh hưởng đến lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng, giá cả các mặt hàng hoá dịch vụ, mà còn có thể tác động đến tăng trưởng, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, việc điều chỉnh tăng này xuất phát trên cơ sở Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, đó là cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Việc tăng thuế sẽ góp giảm tác động do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, xăng dầu là sản phẩm chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, nên việc tăng sắc thuế môi trường sẽ khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng loại nhiên liệu thân thiện với môi trường như xăng sinh học E5...
Đồng thời, việc tăng thuế bảo vệ môi trường nói trên cũng căn cứ vào nội dung trong Luật Thuế bảo vệ môi trường.
CPI tăng không nhiều
Đối với thuế bảo vệ môi trường tác động đến chỉ số giá cả như thế nào, theo phân tích của Bộ Tài chính những tác động khi điều chỉnh mức thuế này tới CPI là không nhiều. Với phương án điều chỉnh mức Thuế bảo vệ môi trường như dự thảo, nếu như có hiệu lực từ 1/7/2018 thì việc điều chỉnh này sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2018 so với tháng 6/2018 là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động CPI bình quân của năm 2018 khoảng 0,11-0,15%.
Theo Bộ Tài chính, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học - xăng E5, E10, dầu diesel B5, B10, túi ni lông thân thiện với môi trường). Cũng theo Bộ Tài chính, nhiều năm nay, chi ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường luôn cao hơn số thuế bảo vệ môi trường thu được. Tổng chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016 khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2016, bình quân khoảng 21.197 tỷ đồng/năm.
Xóa nợ thuế cần minh bạch, đúng đối tượng
Đây là kiến nghị của nhiều doanh nghiệp vào đề xuất xóa nợ thuế tại dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xử lý xóa nợ, khoanh nợ những hoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không có khả năng thu hồi. Bởi nếu xóa nợ thuế minh bạch, đúng đối tượng, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Theo ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn thuế Trọng Tín, việc xóa nợ thuế đúng đối tượng là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch của nguồn thu, cơ quan thuế giảm các chi phí quản lý, giảm thời gian theo dõi số nợ thuế dù biết chắc là không thể thu hồi được; qua đó giúp bức tranh ngân sách phản ánh trung thực năng lực tài chính quốc gia. Về phía doanh nghiệp bị ảnh hưởng do thiên tai, hỏa hoạn, hoặc các trường hợp bất khả kháng, nếu được xóa nợ thuế sẽ giúp họ khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Theo các chuyên gia, những đối tượng doanh nghiệp nợ thuế mà số thuế nợ đã kéo dài nhiều năm, đã thực hiện tất cả các biện pháp quản lý nợ theo quy định của pháp luật mà vẫn không thể thu hồi được thì cần thiết phải xóa nợ. Nếu cứ để treo như thế thì hệ thống dữ liệu sẽ quá tải. Hơn nữa, cơ quan thuế cũng phải cử cán bộ thuế để theo dõi mà không thể mang lại kết quả gì, như thế rất lãng phí nguồn lực.
BT
|
Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp