Đồng bộ các giải pháp cho đầu ra sản phẩm
Mở đầu phiên chất vấn của Bộ trưởng Hoàng, các đại biểu Huỳnh Văn Tính, Nguyễn Sỹ Cương hỏi về các giải pháp đột phá tìm đầu ra cho nông sản cũng như khắc phục tình trạng sụt giảm xuất khẩu.
Thừa nhận xuất khẩu 5 tháng chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, xuất khẩu 5 tháng mới tăng trưởng 7,8%, nguyên nhân chủ yếu do giá của một số sản phẩm như gạo, thuỷ sản giảm, đặc biệt giá dầu thô giảm còn 50% so với cùng kỳ, một số thị trường xuất khẩu như EU, Nhật Bản có thay đổi tỷ giá nên ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trước thách thức trên, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ làm tốt công tác thị trường thông qua các chương trình xúc tiến thương mại dưới nhiều hình thức như tổ chức khảo sát cho doanh nghiệp Việt Nam đi tìm hiểu các thị trường, tổ chức các đoàn khảo sát của các nước tại thị trường Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Hoàng, phát triển hệ thống phân phối trong nước giúp tiêu thụ sản phẩm. Thời gian qua chúng ta đã đầu tư 8.500 chợ truyền thống chủ yếu ở khu vực nông thôn. Hệ thống chợ tiêu thụ tới 40% tổng lượng hàng hóa của cả nước, riêng thị trường nông thôn, hệ thống chợ tiêu thụ 60% lượng hàng hóa.
Về hệ thống các trung tâm thương mại siêu thị, cả nước có 900 trung tâm thương mại và siêu thị góp phần tiêu thụ 20% sản phẩm trong nước.
Mặc dù khu vực nông nghiệp chỉ chiếm 18% thu nhập quốc dân nhưng liên quan tới 70% dân số. Theo Bộ trưởng Hoàng, khi Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa thì khu vực này vẫn là cấu phần quan trọng, do vậy quá trình đàm phán các Hiệp định thương mại tự do bao gồm việc đàm phán với đối tác yêu cầu mở cửa thị trường cho sản phẩm Việt Nam có lợi thế, các hợp đồng chúng ta ký kết đã đạt được lợi ích cốt lõi và các đối tác chấp nhận mở cửa thị trường. Đơn cử như Hiệp định với Liên minh Á-Âu vừa được ký kết, ngay năm đầu có hiệu lực sẽ đưa thuế suất bằng 0 với mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam.
Trong đàm phán các Hiệp định bình thường, gạo và rau quả bao giờ cũng chiếm phần quan trọng, phía Việt Nam cố gắng đàm phán ký hợp đồng biên bản thỏa thuận dài hạn, với tổng lượng bình quân một năm các nước đã ký nhập 5,5-5,6 triệu tấn gạo, chiếm đa số trong tổng số gạo chúng ta xuất khẩu, là cơ sở ổn định bền vững cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Hoàng, việc tăng cường hoạt động kết nối giữa nông dân với người sản xuất đang được thí điểm tại 12 địa phương cũng là một trong những giải pháp bước đầu đã mang lại kết quả trong việc tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm. Nhiều địa phương cũng đề nghị Bộ Công Thương nhân rộng mô hình này, và tới đây Bộ sẽ tiếp tục mở rộng việc liên kết giữa người nông dân với người sản xuất, tiêu thụ, Bộ trưởng Hoàng chia sẻ.
Giá xăng điện, xăng được tính toán cẩn trọng
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Nguyễn Văn Hiến hỏi về giá xăng dầu, giá điện, có bất hợp lý không?
Theo Bộ trưởng Hoàng, điện và xăng dầu là hai mặt hàng đặc biệt, mọi biến động đều có tác động đến người dân và doanh nghiệp. Chúng ta đã nhất quán chủ trương điều hành theo giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trong tính toán, Bộ rất thận trọng để vừa đáp ứng yêu cầu giá điện theo đúng lộ trình giá thị trường không bù giá nhưng vẫn giảm thiểu được tác động đến người dân và sản xuất. Bộ trưởng Hoàng nhắc lại, tháng 8/2013 điều chỉnh giá điện một lần, cả năm 2014 chưa điều chỉnh và việc điều chỉnh giá điện gần đây nhất cũng được Bộ thận trọng tham vấn tổ liên ngành 4 Bộ để hạn chế tối đa tác động.
Về giá xăng dầu, hiện Bộ Công Thương điều hành theo Nghị định 83 CP, mặc dù còn có ý kiến chưa thống nhất, nhưng nhìn chung giá xăng dầu đã theo đúng lộ trình giá thị trường và có yếu tố quản lý Nhà nước. Khi điều hành, quan điểm của Bộ bao giờ cũng kết hợp hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thừa nhận vẫn còn một số bất cập trong điều hành theo tinh thần Nghị định 83 CP như xác định giá cơ sở và phí định mức, theo Bộ trưởng Hoàng, Bộ sẽ cùng Bộ Tài chính rà soát và điều chỉnh các bất cập để đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống.
Chia sẻ cùng Bộ trưởng Hoàng về công tác điều hành giá xăng dầu, cũng như cách tính chi phí kinh doanh định mức của kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng một lần nữa nhấn mạnh nguyên tắc điều hành giá bán xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo đó thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối được quy định giá bán xăng dầu theo biên độ đúng quy trình, Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm tra giá xăng dầu thông qua các quy định tính giá cơ sở cũng như thời gian tối thiểu giữa 2 lần điều chỉnh giá để doanh nghiệp có căn cứ tính toán định mức giá.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ