Sáng 20/12, tại Tokyo (Nhật Bản), Diễn đàn đồng sáng tạo kinh tế ASEAN - Nhật Bản lần thứ hai đã diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tham dự và có bài phát biểu.
Diễn đàn với sự tham dự của một số Bộ trưởng ASEAN, quan chức Chính phủ và chuyên gia từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau để tìm kiếm các khả năng đồng sáng tạo ASEAN-Nhật Bản trong tương lai.
Diễn đàn năm 2024 tập trung thảo luận ba lĩnh vực chính là “Phương tiện giao thông thế hệ tiếp theo”, “Kỹ thuật số và AI” và “Chuyển đổi xanh”.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Trưởng đoàn công tác Bộ Công Thương đã tham dự Diễn đàn và có bài phát biểu về chủ đề “Tiềm năng hợp tác ASEAN - Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và xe thế hệ mới".
Báo Công Thương xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Diễn đàn đồng sáng tạo kinh tế ASEAN - Nhật Bản:
“Kính thưa Ngài Kao Kim Hourn, Tổng thư ký ASEAN;
Kính thưa các ngài Bộ trưởng;
Thưa toàn thể quý vị!
Chúng ta vui mừng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ kinh tế giữa ASEAN và Nhật Bản trong hơn 50 năm qua,
“Trong hơn 50 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ đối thoại năm 1973, quan hệ kinh tế ASEAN -Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, trước sự chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu, với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ, dư địa hợp tác giữa hai Bên còn rất rộng mở, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và xe ô tô thế hệ mới.
Thứ nhất, đối với lĩnh vực công nghiệp, ưu tiên hướng tới tăng trưởng sáng tạo và bền vững.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có thế mạnh về công nghiệp tiên tiến hàng đầu trên thế giới. Vì vậy, trong thời gian tới, đề nghị Nhật Bản hỗ trợ ASEAN trong các vấn đề:
Thứ nhất, chuyển đổi công nghiệp theo hướng công nghệ cao, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, đặc biệt là chế tạo linh kiện điện tử, tự động hóa và sản xuất vật liệu mới;
Thứ hai, đầu tư triển khai các nhà máy thông minh sử dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn (Big Data) tại các nước ASEAN, giúp tăng năng suất, giảm thiểu lãng phí và nâng cao giá trị gia tăng;
Thứ ba, hợp tác trong sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp đạt tiêu chuẩn xanh;
Thứ tư, hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp tiên tiến, triển khai các chương trình trao đổi học thuật và thực tập giữa hai bên, tạo nền tảng cho việc nâng cao trình độ, năng lực công nghiệp hiện đại trong khu vực ASEAN.
Thứ hai, đối với lĩnh vực năng lượng, mục tiêu hợp tác là chuyển đổi xanh và bảo đảm an ninh năng lượng.
ASEAN và Nhật Bản có thể tăng cường hợp tác trong các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng sinh khối, đặc biệt tại các quốc gia như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Tôi được biết, Nhật Bản sở hữu công nghệ hàng đầu thế giới về hydrogen. Trong khi đó, Việt Nam cũng như các nước ASEAN khác sở hữu tiềm năng lớn về phát triển điện gió và điện mặt trời, đáp ứng được yêu cầu của Nhật Bản về “nguyên liệu” để sản xuất hydrogen. Đây chính là tiền đề quan trọng để ASEAN, trong đó có Việt Nam sẽ cùng Nhật Bản bắt tay hợp tác trong lĩnh vực năng lượng xanh, chuyển đổi xanh, nhằm “xanh hóa” nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các nước ASEAN và Nhật Bản cần tăng cường hợp tác trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng (như hợp tác xây dựng phát triển lưới điện ASEAN nhằm khai thác tiềm năng về năng lượng tái tạo của những nước thành viên có lợi thế, như Việt Nam, Lào để cung cấp cho các nước có nhu cầu năng lượng xanh như Malaysia, Singapore; đồng thời, hợp tác hỗ trợ Việt Nam trong việc tái khởi động Chương trình điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận), góp phần giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, bảo đảm nguồn năng lượng ổn định, thân thiện với môi trường và bảo đảm an ninh năng lượng khu vực.
Thứ ba, đối với lĩnh vực xe thế hệ mới, đây chính là động lực cho tương lai
Với thế mạnh trong công nghệ xe điện và pin năng lượng của mình, Nhật Bản có thể hợp tác với các nước ASEAN trong việc sản xuất và lắp ráp xe điện. Hiện nay, Việt Nam và một số quốc gia ASEAN có những chính sách hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp sản xuất xe điện, đồng thời sở hữu thị trường nội địa đang tăng trưởng mạnh mẽ, hứa hẹn trở thành trung tâm sản xuất xe điện tiềm năng trong tương lai.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể phối hợp triển khai các dự án hạ tầng như trạm sạc xe điện và trạm hydro trên toàn khu vực ASEAN, hình thành hệ sinh thái xe điện, xe năng lượng mới hoàn thiện, thúc đẩy phát triển hơn nữa lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Tóm lại, triển vọng quan hệ ASEAN - Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và xe ô tô thế hệ mới là rất tươi sáng. Chúng ta cần tận dụng cơ hội này để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường. Tôi tin rằng với sự quyết tâm và hợp tác chặt chẽ, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn trong tương lai.
Xin trân trọng cảm ơn".
Theo Congthuong.vn